Hơn 1 năm sau Lễ đón nhận Bằng ghi danh, các địa phương sở hữu di sản Then đã quan tâm xây dựng các chương trình quảng bá, tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả đối với di sản then - đàn tính; để từ đó thúc đẩy sự gắn bó xã hội, ý thức về bản sắc và trách nhiệm của người dân địa phương trong lan tỏa và thực hành sinh hoạt then tại cộng đồng.
Đặc biệt, nhiều địa phương đã rất thành công trong việc gắn di sản then - đàn tính trong phát triển du lịch như tại Bắc Sơn (Lạng Sơn); Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang); Ba Bể (Bắc Kạn); Bình Liêu (Quảng Binh); Trùng Khánh (Cao Bằng)…
Tại tỉnh Ca Bằng, tháng 10 vừa qua, tỉnh Cao Bằng tổ chức Chương trình hát Then, đàn Tính với sự tham gia của 1.000 nghệ nhân, diễn viên, quần chúng nhân dân. Tại khu vực chân thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, 1.000 người bao gồm, các nghệ nhân, diễn viên và quần chúng Nhân dân với nhiều độ tuổi khác nhau, đến từ 10 huyện, thành phố đã hội tụ, trình diễn 3 bài hát Then, gồm: “Ánh trăng Bản Giốc” - sáng tác của Nhạc sĩ Phạm Tịnh, “Đường về bản em” - sáng tác của nhạc sĩ Đàm Thanh và “Hoa rừng quê em” - sáng tác của nhạc sĩ Hoa Cương.
Với chủ đề “Cội nguồn và Bản sắc Then Tính Cao Bằng”, Chương trình đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách và Nhân dân. Đặc biệt 1.000 người tham gia đều mặc trang phục dân tộc Tày, Nùng truyền thống. Sự kiện nhằm xác lập kỷ lục "Màn đồng diễn hát Then, đàn Tính có số lượng người tham gia đông nhất Việt Nam".
Sự kiện đã thu hút hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thác Bản Giốc và huyện Cao Bằng. Theo chia sẻ của nhiều khách du lịch trên với Cao Bằng thời điểm trên, tất cả các dịch vụ ăn uống, lưu trú tại Cao bằng đều chật kín khách và quá tải. Đây là một cơ hội lớn giúp Cao Bằng quảng bá thượng hiệu du lịch, nguồn thu từ du lịch là rất lớn.
Anh Lê Văn Hiếu, hướng dẫn viên chuyên tuyến Đông - Tây Bắc, người trực tiếp tham dự sự kiện bày tỏ, anh đã từng dẫn nhiều đoàn khách du lịch tham dự các sự kiện, nhưng sự kiện hơn 1000 người cũng mặc trang phục truyền thống, cùng đồng ca với điệu Then- đàn tính, thì đây là lần đầu tiên. Với bản thân anh và khách du lịch, đây là một trải nghiệm ấn tượng đặc biệt, chắc chắn nếu Cao Bằng tổ chức, anh sẽ quay trở lại.
Cũng tại tỉnh Cao Bằng, vừa qua, tại Phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình báo cáo Mô hình điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then gắn với phát triển du lịch tại thành phố Cao Bằng và ra mắt "Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng".
Tại Chương trình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra mắt "Nhóm Bảo tồn - Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng", với mục đích bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản Then gắn với phát triển du lịch, phục vụ các đoàn khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức hát Then, đàn tính; là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc truyền dạy hát Then và đàn tính và hỗ trợ các trường học trong đề án đưa hát Then vào trường học. Đây là mô hình nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nếu ai có dịp đến với Làng văn hóa Du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), ngoài được thăm quan cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hàng trăm ngôi nhà người Tày với mái ngói âm dương cổ kính, du khách còn được thưởng thức điệu hát Then mượt mà, sâu lắng. Đây chính là một điểm nhấn tạo sự hấp dẫn, khiến du lịch quay trở lại Bắc Sơn nhiều lần.
Hay tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), những năm qua, lượng khách du lịch đến với huyện Bình Liêu tăng theo cấp số nhân. Bên cạnh được thỏa mình trong phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với các cột mốc biên giới, với điểm "sống lưng khủng long"... du khách còn được hòa bình trong một không gian văn hóa đa sắc màu, trong đó nổi bật là nét đặc sắc văn hóa Tày.
Tại mỗi Homstay, du khách sẽ được giới thiệu về quy trình để tạo nên cây đàn tính; thưởng thức các điệu hát then truyền thống. Hoặc nếu có dịp bắt gặp một lễ hội nào đó thì chắc chắc, du khách sẽ được đắm mình trong làn điệu Then. Biểu diễn Then - đàn tính đã trở thành thương hiệu của Bình Liêu.
Có thể thấy, hiện nay, hầu hết các tỉnh có di sản Then đều đã linh hoạt biến di sản Then trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Then được biểu diễn khắp mọi nơi, ở mỗi Homstay, ở từng cụm dân cư cho đến các ngày lễ nhỏ, ngày lễ lớn của địa phương, của cả vùng, quốc gia và được đem đi biểu diễn quốc tế…;Có thể nói, Then - đàn tính là tài sản vô giá của nhân loại, mà chủ nhân của nó là cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản Then có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hiện nay, các địa phương đang tích trực triển khai thực hiện Dự án 6, về Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, di sản Then ngày càng được bảo tồn và phát huy một cách sâu rộng và đi vào thực chất hơn, góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa dân tộc Việt Nam.