Phát triển hạ tầng thương mại biên giới
Kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi, biên giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, các khu kinh tế (KKT) cửa khẩu cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển.
Đặc biệt từ năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển của cả nước nói chung, khu vực biên giới nói riêng.
Điển hình như Lào Cai, là tỉnh có vị trí quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, và là “cầu nối” quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh thành trong cả nước, sang thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng của tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc.
Lào Cai có 2 cửa khẩu quốc tế (1 đường sắt, 1 đường bộ), 2 cửa khẩu phụ và 7 lối mở biên giới. Tuy nhiên, trong điều kiện xuất khẩu hàng hóa cả nước tăng cao, thì năng lực thông quan tại các cửa khẩu, vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thời điểm đã có hàng trăm container hàng hóa bị tắc nghẽn ở các cửa khẩu.
Cao điểm như trong tháng 8 vừa qua, tại Cửa khẩu Kim Thành, khi dịch Covid-19 bùng phát, thì theo ghi nhận, riêng mặt hàng thanh long, mỗi ngày đã có khoảng 500 container từ các tỉnh phía Nam chuyển lên. Trong khi năng lực thông quan Cửa khẩu Kim Thành khoảng hơn 150 container mỗi ngày, gây ách tác hàng hóa, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, cho rằng: Để hỗ trợ phát triển kinh tế cửa khẩu, Lào Cai cần đầu tư nâng cấp đường cao tốc, đường sắt, đầu tư cầu biên giới và các cơ sở hạ tầng khác của KKT cửa khẩu. Có chính sách đặc thù cho những cửa khẩu trọng điểm quốc gia như, tăng hạn mức đầu tư, để lại nguồn thu từ KKT cửa khẩu để tái đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới; hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử qua biên giới…
Bên cạnh đó, việc chưa kịp thời nâng cấp hạ tầng logistics, nâng cấp các cặp cửa khẩu, xúc tiến thương mại... để theo kịp với nhu cầu giao thương giữa khu vực biên giới và các nước láng giềng, cũng là một nguyên nhân, hạn chế phần nào phát triển kinh tế của khu vực biên giới.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, có 3 bất cập lớn cần làm tốt hơn để nâng cao hoạt động, phát triển kinh tế khu vực biên giới. Thứ nhất, đến nay chúng ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cửa khẩu. Trên thực tế, chúng ta chưa có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, cách căn cơ các vấn đề liên quan đến sự phát triển của cửa khẩu.
Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực cửa khẩu liên quan đến rất nhiều các loại quy hoạch khác nhau; quy trình mở và nâng cấp cửa khẩu của Việt Nam với các nước còn nhiều khác biệt; mức độ đầu tư về phát triển cửa khẩu của chúng ta với các nước láng giềng khác nhau…
Thu hút đầu tư vào kinh tế vùng biên
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, còn rất nhiều tồn tại cần phải được quan tâm đầu tư cho các tỉnh khu vực biên giới. Trình độ phát triển chênh lệch; kinh tế - xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều cửa khẩu quốc tế ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ vẫn chưa có các KKT cửa khẩu, như: Nậm Cắn (Nghệ An) giáp với nước bạn Lào, Lệ Thanh (Gia Lai) giáp với Campuchia, cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) giáp với Campuchia... chưa phát huy hết tiềm năng kinh tế cửa khẩu của địa phương.
Tại Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế biên giới. Nguyên nhân của các khó khăn hạn chế do công tác quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung; khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch. Chưa có nhiều ưu đãi đột phá, nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Đặng Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhìn nhận, trong phát triển loại hình cửa khẩu hiện vẫn còn vênh giữa văn bản và thực tế. Cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý cho phát triển kinh tế khu vực biên giới, đồng thời duy trì kênh thông tin đa chiều.
Thực tế cho thấy, sự hình thành và phát triển của các KKT cửa khẩu thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống nhân dân theo đó từng bước được nâng lên... Thông qua hoạt động của các KKT cửa khẩu, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã chiếm lĩnh thị phần của đa dạng thị trường.
Do đó, cần nhìn nhận KKT cửa khẩu ở tầm KKT khu vực biên giới, kết nối hành lang kinh tế cửa khẩu trên cả nước. Đồng thời, cần tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới tạo động lực, bước đột phát cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.