Tiềm năng kinh tế lớn
Khu vực biên giới đang có lợi thế thu hút đầu tư rất lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng. Trên 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc, đã hình thành 26 khu kinh tế cửa khẩu, 267 cụm công nghiệp hoạt động, với tổng diện tích là 8.799ha, tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.
Đơn cử như, Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) được xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, cùng với sự phát triển của KKT trọng điểm Bắc Bộ. Đây là khu vực được đánh giá, là nơi có vị trí đặc biệt thuận lợi so với các cửa khẩu khác, với trục tứ giác kinh tế trọng điểm Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giao thông thông suốt. Với những tiềm năng và lợi thế đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn KKT có 130 dự án trong nước, 21 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD.
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý KKT Cửa khẩu Đồng Đăng cho biết: Trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động này, nhưng ước tính chung trong cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu thuộc KKT đạt trên 17,5 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với giai đoạn 2011 - 2015; thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu và phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế xấp xỉ 19.000 tỷ đồng.
Cũng tại khu vực cửa khẩu, đã thành lập các Hợp tác xã (HTX) tập trung xây dựng các kho, bến, phục vụ bốc xếp hàng hóa, vận chuyển khách, nhờ đó đã tạo việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn. Anh Lộc Văn Thọ ở xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc cho biết, nhờ có các HTX vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, anh luôn có việc làm và thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Còn tại khu Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đang được quy hoạch thành điểm kết nối giao thương giữa ASEAN với Việt Nam, với Cửa khẩu Long Bang (Trung Quốc). KKT cửa khẩu Trà Lĩnh đã thu hút 17 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng xây dựng Kho ngoại quan, bãi tập kết hàng hóa, kho đông lạnh…
Hiện một số dự án đã đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho giao nhận, lưu giữ hàng hóa, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động theo mùa vụ.
Ông Trịnh Trường Huy, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, cho rằng, kinh tế cửa khẩu phát triển, đã tạo việc làm cho các hộ dân sống xung quanh khu vực cửa khẩu. Người dân mở thêm các dịch vụ ăn uống, kinh doanh hàng hóa, có thu nhập cao hơn so với với lao động nông nghiệp thuần túy.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh biên giới có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước. Đây thực sự là tín hiệu lạc quan, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng trưởng chậm lại từ đầu năm đến nay.
Còn nhiều trở ngại
Tuyến biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với nước láng giềng. Nhưng nhìn từ thực tế việc đầu tư nguồn lực nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu còn hạn chế và chưa theo kịp nhu cầu phát triển.
Tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang), năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đạt trên 250 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt 180 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể đối với tỉnh khó khăn như Hà Giang.
Song như ý kiến của ông Hoàng A Chinh, Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Hà Giang, nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng còn ít, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương nên kết cấu hạ tầng tại KKT cửa khẩu chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu chính sách ưu đãi, nên chưa thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh.
Hay như tại KKT Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) được đánh giá là 1 trong 9 KKT cửa khẩu trọng điểm của cả nước. Thế nhưng, sau 14 năm thành lập, nhiều dự án trong KKT bị bỏ hoang, nhiều dự án chưa triển khai. Chẳng hạn như: Dự án trồng rừng nguyên liệu công nghệ cao, dự án xây dựng khu công nghiệp thương mại, dịch vụ sinh thái Đá Mồng… Những khu công nghiệp hiện này không những không giải quyết được việc làm, kích cầu kinh tế, mà nó còn gây lãng phí rất lớn về tiền bạc của các nhà đầu tư.
Lý giải về việc đình trệ tại KKT Cửa khẩu Cầu Treo, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, những thay đổi trong cơ chế chính sách, là nguyên nhân chính của thực trạng này. Các chính sách ưu đãi trong KKT chưa có tính ổn định dài hạn, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh những hạn chế trong phát triển kinh tế cửa khẩu, thì cơ cấu kinh tế ở khu vực biên giới nông nghiệp vẫn là chủ đạo; công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu.
Hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu, như trung tâm logistics, kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm. Quy mô thương mại các tỉnh biên giới còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước.
Rõ ràng, phát triển kinh tế khu vực biên giới còn nhiều khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ. Bên cạnh những khó khăn nội tại, như quy hoạch thiếu tính dự báo, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển... thì “điểm nghẽn” lớn nhất là vốn đầu tư phát triển thiếu và bị phân tán, dàn trải.
Để phát huy lợi thế kinh tế mũi nhọn này, cần đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực biên giới và tương thích với quy mô, đầu tư phát triển của các nước láng giềng.