Vật phẩm dâng lên lễ, ngoài những lễ vật truyền thống như, áo cà sa vật phẩm quan trọng nhất để tưởng nhớ về nghi thức của lễ do Phật dựng lên, bình bát để sư sãi khất thực, tập, viết..., còn có các vật dụng sinh hoạt, đồ dùng hằng ngày cần thiết khác trong chùa như: Thuốc uống, thực phẩm, đồ gia dụng…
Ông Đào Loan, Người có uy tín quận Ô Môn, TP. Cần Thơ chia sẻ: Phật tử thực hiện Lễ dâng y cà sa là để thể hiện thiện tâm của mình đối với việc hộ trì tăng đoàn và còn cầu cho phum, sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu mưa thuận gió hòa, tạo không khí vui tươi cho phật tử trong phum, sóc. Do đó, các gia đình đồng bào Khmer, ai cũng mong trong đời có ít nhất được 1 lần dâng y cà sa, để tỏ lòng tri ân và bày tỏ sự chia sẻ khó khăn đối với người xuất gia.
Thông thường Lễ dâng y cà sa được diễn ra trong 2 ngày. Các vị trụ trì chùa sẽ ấn định ngày cụ thể, rồi thông báo cho phật tử trong phum, sóc biết để tiến hành tổ chức. Khi nhận thông báo, mỗi phum sóc sẽ có từ 1 đến 3 gia đình cùng nhau tổ chức và vận động các gia đình khác cùng tham gia để khích lệ tín đồ phật tử thực thi đại hạnh bố thí và tri ân công đức Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Sự đóng góp của mỗi gia đình, mỗi người là tự nguyện, tùy vào lòng hảo tâm. Sau đó, phật tử thỉnh chư tăng đến nhà để tụng kinh và cầu an cho gia chủ và cư dân trong phum, sóc.
Áo cà sa là biểu tượng của đạo pháp, của nhà tu hành; áo cà sa còn tượng trưng cho những gì trân quý, cao cả, đức độ và thiêng liêng nhất nên được tứ chúng phật tử tôn xưng và kính ngưỡng. Khi phật tử đến dâng y, một tấm áo cùng nhiều lễ vật được đội trên đầu với tất cả thành kính. Với tâm nguyện cho đi không phải là bố thí, hay chỉ là thiện tâm mà còn là tấm lòng hướng thiện, đồng lòng cùng các vị chư tăng.
Theo Đại đức Danh Nâng, Trụ trì 2 chùa Nam tông Khmer (Chùa Thứ Năm, huyện An Biên và chùa Xẻo Cạn, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang): Hằng năm, Lễ dâng y ca sa được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và trước ngày tổ chức Lễ Ooc Om Bok (khoảng thời gian từ ngày 15/9 đến 15/10 Âm lịch). Trong 2 ngày tổ chức đại Lễ dâng y cà sa, ngày đầu, các gia đình tổ chức cho các đoàn phật tử đi quyên góp tịnh tài. Thành phần gồm có: Đội múa trống sa dăm, các chú khỉ Hanuman, các chú đeo hình nộm ông địa, hoặc một vị thần nào đó trong truyền thuyết của đồng bào dân tộc Khmer. Vật phẩm quyên góp tịnh tài thường được dâng bông bạc (dâng cúng cây bông hoa có kèm theo tiền, gọi là cây tiền hoặc dâng cúng cây lá vàng, lá bạc), để mua các vật dụng dâng đến chư tăng, sửa chữa chùa…
Ngày thứ hai, các thành phần có mặt hôm trước, tổ chức rước cà sa quanh phum, sóc của mình. Sau đó, bà con đến chùa và được các vị sư hành lễ nhiễu Phật 3 vòng xung quanh chính điện chùa, tiến hành thực hiện nghi Lễ dâng y cà sa tại chính điện. Tại đây, Lễ quy y tam bảo; Thuyết pháp ý nghĩa Đại lễ dâng y cà sa; Lễ thọ y cà sa; Lễ tụng kinh cầu an, chúc phúc, hồi hướng, hoàn mãn được trụ chì chùa cùng các vị sư trực tiếp thực hiện.
“Lễ dâng y cà sa là nguyện ước của mỗi gia đình, dòng họ người Khmer, tỏ lòng thành kính, sùng đạo Phật giáo, góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng giữa chư tăng, phật tử trong phum sóc. Thông qua hoạt động của Lễ dâng y cà sa giúp con người sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau”, Đại đức Danh Nâng nói.