Nguy cơ cháy Vườn quốc gia cấp cực kỳ nguy hiểm
Vườn Quốc gia Yók Đôn có diện tích 115,5 nghìn ha, trải dài khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với diện tích rừng khộp chiếm 92,33 % tổng diện tích, phân bố rải đều trên toàn diện tích của vườn. Đặc điểm của rừng khộp là rụng lá hoàn toàn vào mùa khô, thảm thực bì chủ yếu trảng cỏ, cây bụi, lau lách ... nhanh khô, dễ cháy. Khu vực này thời tiết khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, nắng nóng, hanh khô. Vì vậy, rừng khộp được xem là trọng điểm cháy rừng, có nguy cơ cháy cao nhất trong mùa khô. Hiện, nguy cơ cháy rừng của Vườn Quốc gia Yók Đôn đang ở cấp độ V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Trong khi đó, vùng đệm Vườn Quốc gia Yók Đôn Đôn có 7 xã thuộc 3 huyện gồm, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông và huyện Buôn Đôn, Ea Súp, với tổng số dân hơn 50 nghìn người, chủ yếu đồng bào DTTS. Rất nhiều hộ có nương rẫy sản xuất gần bìa rừng, tình trạng chăn thả gia súc, săn bắt thú rừng, đốt ông lấy mật... vẫn thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Đặc biệt, Vườn Quốc gia Yók Đôn có buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với 113 hộ, hơn 500 khẩu, chủ yếu đồng bào DTTS sinh sống, sản xuất trong vùng lõi rừng trước khi vườn thành lập.
Ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ đồng bố trí cán bộ thường xuyên phối hợp với các tổ quản lý rừng cộng đồng các thôn, buôn tuần tra, vừa kiểm soát tình trạng phá rừng vừa canh cháy.
Ông Lê Minh TiếnGiám đốc Khu Bảo tồn Ea Sô
Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn cho biết: nhiều năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, tình trạng khô hanh kéo dài. Vườn quốc gia Yók Đôn xác định, nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm, với quan điểm phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các tác hại của cháy rừng.
Ngay từ cuối mùa mưa hàng năm, Vườn quốc gia Yók Đôn đã sớm xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, vườn cũng xây dựng phương án phối hợp, huy động lực lượng, thành lập ban chỉ huy và các đội, tổ phòng cháy, chữa cháy rừng tại các trạm kiểm lâm với 100 quân số trực. Các đội, tổ thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng, đốt thực bì có kiểm soát, làm đường băng cản lửa ở bìa rừng, khu vực trọng yếu. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, máy móc chủ động nếu xảy ra cháy rừng.
Bám sát kế hoạch, chuẩn bị các phương án, riển khai, thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, những năm qua, Vườn quốc gia Yók Đôn gần như không xảy ra cháy rừng.
Cũng nằm trong diện nguy cơ cháy rừng cao, thời gian qua cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn Ea Sô, huyện Ea Kar cũng triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Khu Bảo tồn Ea Sô quản lý 26,8 nghìn ha rừng, trong đó có nhiều thảm thực vật có nguy cơ cháy cao vào mùa khô. Nơi đây có Quốc lộ 29 chạy qua, người dân thường lợi dựng xâm nhập rừng bằng đường mòn lối mở để bãy thú, đốt ong ... tiềm ẩn nguy cơ gây cháy.
Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu Bảo tồn Ea Sô cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ đồng bố trí cán bộ thường xuyên phối hợp với các tổ quản lý rừng cộng đồng các thôn, buôn tuần tra, vừa kiểm soát tình trạng phá rừng vừa canh cháy. Ở những nơi nguy cơ cháy cao, đơn vị cày ủi đường băng cản lửa, bố trí chòi canh để theo dõi trong mọi tình huống.
Chủ động phòng, chống cháy rừng
Đắk Lắk đã bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng và hanh khô diễn ra trên diện rộng và kéo dài, đặc biệt là tại các huyện như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar, M’Drắk... Nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Trong thời gian tới, tình trạng nắng nóng, khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, nguy cơ cháy rừng rất cao.
Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các Hạt Kiểm lâm huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1, 2, 3 xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các đơn vị liên quan, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý, đảm bảo hiệu quả theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy rừng có thể xảy ra. Rà soát trang thiết bị, công cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị và chủ rừng, sẵn sàng lực lượng thực hiện chữa cháy rừng kịp thời, triệt để và an toàn theo phương châm 4 tại chỗ, 4 sẵn sàng.
Đồng thời, phân công công chức kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, xác minh các điểm cháy, kể cả các điểm cháy do đốt nương làm rẫy nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác phòng cháy chữa cháy rừng của lực lượng kiểm lâm đang gặp nhiều khó khăn, do thời tiết diễn biến rất phức tạp, nhất là thời tiết đang diễn biến phức tạp. Thời điểm này, các cơ sở, đơn vị dồn lực thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã xây dựng. Nếu xảy ra cháy, thì phải hạn chế tối thiểu tình trạng cháy lan.
"Qua kiểm tra, đến nay các chủ rừng, cơ sở đang triển khai tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã tham mưu thành lập tổ công tác kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng do Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì phối hợp với công an và các cơ quan liên ngành", ông Hưng cho hay.