Theo tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, những ngày qua, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, trong đó có 13/17 huyện, thị, thành phố đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra, thì hầu hết các rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.
Tại huyện biên giới Chư Prông, địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp phòng, chống cháy rừng. Qua đánh giá của lực lượng chức năng và các đơn vị chủ rừng, mùa khô 2023 - 2024, huyện Chư Prông có 34 vùng trọng điểm cháy, với tổng diện tích hơn 1.800 ha/ 72.529 ha tổng diện tích có rừng.
Đặc điểm các khu vực trọng điểm cháy là rừng trồng, diện tích có rừng trên địa bàn không tập trung, địa hình phức tạp, chủ yếu là rừng khộp xen kẽ với nương rẫy của người dân. Cùng với đó, việc phát đốt nương rẫy, ý thức về công tác PCCCR và an toàn lửa rừng của người dân chưa cao nên rất dễ xảy ra cháy rừng…
Ông Trần Mạnh Chung, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông thông tin: Ngay từ đầu mùa khô, Hạt đã chủ động tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cấp huyện; ban hành kế hoạch PCCCR mùa khô 2023 - 2024; phân công lực lượng trực, tuần tra, kiểm tra rừng, hướng dẫn các hộ dân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, ngăn chặn không để cháy lan vào rừng. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu chữa khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, tập trung tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng cho người dân. Các đơn vị cũng đã xây dựng lực lượng, hàng ngàn phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng mang nguồn lửa vào rừng; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, thông báo huy động lực lượng dập tắt đám cháy khi mới phát sinh…
Cùng với huyện Chư Prông, nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện Chư Păh tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Các xã, thị trấn cùng đơn vị chủ rừng cũng đang triển khai các giải pháp cấp bách PCCR.
Ông Biên, Chủ tịch UBND xã Hà Tây thông tin: UBND xã được giao quản lý, bảo vệ hơn 2.482,3 ha rừng. UBND xã đã giao khoán toàn bộ diện tích rừng cho 3 cộng đồng và 2 nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Để chủ động PCCCR, UBND xã đã xây dựng phương án, kế hoạch và kiện toàn ban chỉ huy PCCCR. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về trách nhiệm trong bảo vệ rừng và PCCCR; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định, không để lửa cháy lan vào rừng trong quá trình đốt, dọn nương rẫy. Xã cũng phối hợp với các địa phương giáp ranh để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Để chủ động trong công PCCCR, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm đã thông báo đến UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện tǎng cường kiểm tra, đôn đốc chính quyển cấp xā, chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm thực hiện nghiêm túc việc tuần tra canh gác lửa rừng 24/24 giờ; triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; huy động lực lượng chửa cháy rừng khi đám cháy mới phát sinh; báo cáo ngay cho Chi cuc Kiểm lâm để có biện pháp ứng cứu kịp thời khi có cháy xảy ra.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp có công điện tăng cường các biện pháp cấp bách để PCCCR trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động thực hiện công tác PCCCR tại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCCR mùa khô 2023 - 2024.
Trong đó, chủ động phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR; Các sở, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR; các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR, quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; Các đơn vị chủ rừng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao quản lý, nhất là đối với diện tích rừng trồng có nguy cơ xảy ra cháy cao; tăng cường công tác tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại các khu rừng trọng điểm dễ cháy…
Nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, chữa cháy và báo cáo kịp thời, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.