Theo thông tin thu nhận được từ hệ thống cảnh báo cháy rừng, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang trong thời kỳ cao điểm mùa khô. Tính đến ngày 6/3/2023, đã có 13/17 huyện, thị xã, thành phố đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Thời gian vừa qua, địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 2 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng tại huyện Phú Thiện và Chư Pưh.
Để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn theo quy định của pháp luật, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện, UBND các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR, quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy lan vào rừng.
Chỉ đạo tăng cường hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, nhất là việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn trong việc thực hiện trách nhiệm của chủ rừng về PCCCR theo đúng quy định…
Các địa phương đã xảy ra cháy trong thời gian qua chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm và các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCCR trong Nhân dân; chỉ đạo các đơn vị chủ rừng triển khai phục hồi, trồng lại rừng trên diện tích đã bị cháy.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng 3 lần/tuần trong suốt thời gian cao điểm của mùa khô; tổ chức lực lượng canh trực 24/24 giờ, nắm chắc thông tin cháy rừng, theo dõi cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng để phát hiện sớm các điểm cháy nhằm huy động lực lượng chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, nhất là đối với diện tích rừng trồng có nguy cơ xảy ra cháy cao; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR cho cộng đồng dân cư, vận động người dân ký cam kết an toàn lửa rừng, phát tài liệu, tranh tuyên truyền, đóng các bảng nội quy, pa nô... về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR; Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng về PCCCR theo quy định.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, chữa cháy và báo cáo kịp thời.