Theo đó, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại các huyện Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro, Chư Prông và cháy cây trồng chưa thành rừng tại các huyện Chư Pưh, Ia Grai gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và gây bức xúc trong xã hội. Thời gian tới, để chủ động triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật trong, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị chủ rừng và các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR.
UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo Ban chỉ huy PCCCR cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác PCCCR ở các địa phương, cơ sở và các chủ rừng trong suốt mùa khô, nhất là các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao và điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật phải tổ chức lực lượng chốt giữ, thường xuyên tuần tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào rừng, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phối hợp điều tra, xác minh đối tượng, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đặc biệt là các vụ vi phạm đã được lực lượng chức năng phát hiện và các cơ quan truyền thông phản ánh; đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, triển khai việc giao đất, giao rừng, bảo đảm hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vào năm 2026, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến các chủ rừng thực sự.
Riêng đối với UBND các huyện Chư Pưh, Ia Grai tăng cường lực lượng cùng phương tiện xuống các địa bàn trọng điểm, những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao để phục vụ công tác tuần tra và trực chòi quan sát. Tập trung lực lượng trực 24/24 giờ, tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên, canh phòng nghiêm ngặt trong tư thế sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra…
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR. Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng để phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức tuyên truyền đến người dân khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV và cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để có phương án ứng phó kịp thời. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tình hình cháy rừng tại các địa phương, đơn vị…
Đối với các đơn vị chủ rừng cần theo dõi và nắm chắc diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng để cho cộng đồng dân cư, người dân trên địa bàn hiểu, đồng thuận, cùng chung sức bảo vệ.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, sẵn sàng tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.