Từ nguồn vốn chương trình MTQG 1719, Con đường đất ở thôn Nà Mò - Tà Lạn, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn đã được đầu tư kiên cố năm 2023 với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Quý.Nhân lên niềm tin của đồng bào.
Chương trình Mục tiêu quốc gia MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi không đơn thuần là một gói hỗ trợ kinh tế hay chính sách an sinh, mà là một chiến lược phát triển toàn diện, mang ý nghĩa chính trị – xã hội đặc biệt. Việc tập trung nguồn lực lớn để giải quyết những điểm nghẽn mang tính lịch sử chính là cách Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm không chỉ phát triển kinh tế vùng khó khăn, mà còn xóa bỏ những rào cản lâu dài về địa lý, văn hóa, xã hội và cả tâm lý.
Những điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội được đề cập như giao thông cách trở, hạ tầng thiếu thốn, sinh kế bấp bênh, thiếu nước sinh hoạt, khó tiếp cận giáo dục và y tế… vốn không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà là hệ quả tích tụ của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khoảng cách phát triển kéo dài, và cả sự hạn chế trong đầu tư trước đây. Việc giải quyết những vấn đề này không chỉ cần tiền, mà cần tầm nhìn, sự kiên trì và lòng tin vào giá trị của công bằng phát triển. Do đó, chương trình MTQG là lời khẳng định rõ ràng rằng Nhà nước không quên những vùng đất xa xôi, hẻo lánh, nơi “trước đây khó đi đến, nay phải là nơi ưu tiên đến trước”.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là, khi sự thay đổi được hiện diện cụ thể trong đời sống hằng ngày, chính sách không còn là khẩu hiệu. Đường được mở, trẻ em đến trường an toàn và nhanh hơn; trường học khang trang, cha mẹ yên tâm gửi con để lên rẫy; chợ được lập, hàng hóa lưu thông, sinh kế được cải thiện; bác sĩ đến bản, người già, trẻ nhỏ không phải vượt núi cầu may; mạng di động phủ sóng, thông tin không còn đứt đoạn, khoảng cách với các vùng miền được rút ngắn… Những điều đó không cần tuyên truyền, bởi người dân cảm nhận được sự đổi thay bằng mắt, bằng chính cuộc sống của họ.
Và chính từ những trải nghiệm cụ thể ấy, niềm tin được củng cố. Không phải kiểu niềm tin mơ hồ “vì Nhà nước nói thế”, mà là niềm tin có căn cứ, có kiểm chứng, được hình thành từ sự lắng nghe, từ hành động đúng và trúng, từ kết quả thực chất. Đó là niềm tin bền vững nhất, mà không một luận điệu xuyên tạc nào có thể dễ dàng phá vỡ, bởi nó đã được in dấu trong cuộc sống của người dân.
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 giúp đồng bào DTTS và miền núi đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Ảnh: Thành Nhân.Nói cách khác, hiệu quả của chương trình không chỉ là phát triển, mà là gắn kết. Gắn kết giữa chính sách và thực tiễn, giữa lời hứa và hành động, giữa Nhà nước và người dân. Và đó chính là điều cốt lõi của một chương trình vì con người, vì sự công bằng và vì sự phát triển lâu dài không chỉ của vùng đồng bào DTTS và miền núi, mà chính là của cả quốc gia.
Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, giữa các dân tộc nếu không được nhận diện và giải quyết kịp thời, sẽ không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội đơn thuần. Nó có thể trở thành vấn đề lớn. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo đồng bào.
Chính vì vậy, khi chương trình MTQG hướng đến sự công bằng thực chất, đưa các chính sách phát triển về tận bản làng, sát với nhu cầu và đặc điểm văn hóa của từng cộng đồng, thì hiệu quả không chỉ nằm ở những con số về giảm nghèo, tăng trưởng, mà còn tác động sâu xa tới tâm thế và niềm tin của người dân.
Khi đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi trực tiếp, không bị đứng ngoài cuộc phát triển; khi tiếng nói, phong tục, bản sắc văn hóa của họ được tôn trọng, bảo tồn và phát huy, thì họ sẽ cảm nhận rõ ràng rằng mình không bị hòa tan, mà đang cùng hiện diện và đóng góp trong tiến trình phát triển chung của đất nước.
Một trong những Công trình Trường Phổ thông DTNT được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn chương trình MTQG 1719. Ảnh: Nguyễn Quý.Điều quan trọng ở đây là, sự đoàn kết không đến từ mệnh lệnh hành chính, cũng không thể cưỡng ép bằng khẩu hiệu. Đoàn kết chỉ bền chặt khi nó xuất phát từ sự thấu hiểu và chia sẻ lợi ích một cách bình đẳng. Khi người dân cảm thấy được lắng nghe, được ghi nhận, được tôn trọng, thì tinh thần “một lòng với Đảng”, “cùng xây dựng đất nước” không còn là lời tuyên truyền, mà trở thành niềm tin nội tại, xuất phát từ chính trái tim, khối óc của mỗi người dân.
Vì thế, chương trình MTQG không chỉ là đầu tư cho vùng khó khăn. Nó là minh chứng cho một tư duy phát triển bao trùm, lấy con người làm trung tâm, đặt đại đoàn kết dân tộc lên vị trí cốt lõi. Bởi chỉ khi mọi thành phần trong cộng đồng dân tộc đều cùng thấy mình có chỗ đứng, có cơ hội và có tiếng nói, thì đất nước mới có thể vững mạnh, bền vững từ gốc rễ.