Do đó, mọi vấn đề về chăm sóc sức khỏe ban đầu đều dựa vào các trạm y tế xã. Vì thế, ngoài công việc ở trạm, cán bộ y tế không quản ngại khó khăn tận tình đến tận nhà để khám chữa bệnh cho người dân.
Mới đây, có dịp theo chân nhân viên Trạm y tế xã Ân Sơn, đến nhà sản phụ chị Đinh Thị Yến. Chị Yến vừa sinh con được 4 tháng, lần này cán bộ y tế đến nhà chị để tư vấn thêm các biện pháp tránh thai và hướng dẫn cho chị Yến kỹ năng chăm sóc con.
Theo lời chị Yến kể, từ khi chị mang thai đã được nhân viên trạm y tế xã quan tâm, thường xuyên đến tư vấn về chăm sóc thai nhi để mẹ và bé đều khỏe. Nhân viên y tế cũng động viên chị kiểm tra sàng lọc trước và sau sinh; khi sinh con cần đến trạm y tế nên chị rất tin tưởng làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Điều dưỡng Trần Thị Kiều Nga, nhân viên Trạm y tế xã Ân Sơn cho biết: Ban ngày bà con thường đi làm rẫy trên đồi núi xa nên muốn tuyên truyền, vận động bà con cán bộ y tế của trạm thường đến nhà vào lúc trời sẩm tối mới gặp được. Trong quá trình thực hiện công việc, các chị sẽ rà soát, nắm bắt cụ thể từng đối tượng để vận động tư vấn, hướng dẫn cho phù hợp. Mỗi tuần xuống các hộ khoảng 3 đến 4 lần. Nhờ đó, nhận thức của người dân về việc không sinh con thứ 3, không tự sinh con tại nhà, các biện pháp tiêm phòng, sàng lọc trước và sau sinh, tránh thai… ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, các nhân viên y tế còn đóng vai trò là các trạm xá “di động”, sẵn sàng đến tận nhà dân để chăm sóc sức khỏe nếu như họ không thể đi lại được. Cụ Đinh Văn Ức, 81 tuổi ở xã Đăk Mang chia sẻ: Già tuổi cao, sức yếu, mỗi khi trái gió trở trời thường hay đau ốm nhưng đi lại không được. Mỗi khi như vậy, con cháu đều nhờ cán bộ y tế đến tận nhà khám và cho thuốc để già uống.
Không chỉ làm tốt công tác dự phòng, các trạm y tế ở Hoài Ân còn thực hiện công tác điều trị. Hiện 15/15 trạm y tế xã, thị trấn ở huyện Hoài Ân đã có bác sĩ tại chỗ, cơ sở vật chất cũng được quan tâm đầu tư xây dựng hơn. Thực hiện theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 12/15 trạm y tế các xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia. Dự kiến trong năm 2018, Trung tâm y tế huyện Hoài Ân quyết tâm thực hiện mục tiêu hỗ trợ 2 trạm y tế xã vùng cao (Đăk Mang, Bok Tới) và 1 trạm y tế xã khó khăn (Ân Tường Đông) đạt chuẩn.
Bác sĩ Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoài Ân, cho biết: UBND huyện và các xã cũng đã cân đối kinh phí để sửa chữa và xây dựng một số phòng chức năng cho các trạm y tế xã còn khó khăn, phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
“Nhìn chung các trạm y tế đã có nhiều nỗ lực phục vụ và từng bước phát triển tốt. Điển hình như Trạm y tế xã Ân Hữu, cơ sở vật chất đã được đầu tư khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, cùng sự tận tình khám chữa bệnh của bác sĩ, nhân viên y tế đã tạo được niềm tin cho người dân. Hằng năm, trạm y tế này đã tiếp nhận điều trị ngoại trú cho gần 2.000 bệnh nhân, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cũng tăng lên đáng kể”, bác sĩ Mạnh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, Trạm y tế xã Ðăk Mang cũng làm rất tốt vai trò của mình. Trạm thường xuyên phối hợp với Ðài truyền thanh xã thực hiện công tác tuyên truyền, thông báo trước để hẹn lịch tiêm phòng hằng tháng và thông tin về phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra theo mùa.
Ngoài ra, trạm còn tuyên truyền lồng ghép chăm sóc sức khỏe phụ nữ vào các ngày lễ như 8/3 hay 20/10, hay triển khai phối hợp các chi hội, đoàn thể ở các thôn, làng để kịp thời vận động, hướng dẫn phụ nữ, người dân về phòng chống dịch bệnh và cách chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình.
THÀNH NHÂN