“Điểm tựa” của trẻ khuyết tật
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiện Tâm nằm sâu trong con hẽm nhỏ, thuộc địa phận xã Đắk Lao, đoạn giáp ranh thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil. Nơi đó, hàng chục đứa trẻ khiếm khuyết đang được thầy cô giáo kèm cặp, dạy bảo ân cần, với mong muốn giúp các em tiến bộ, hòa nhập vào cuộc sống đời thường.
Ngồi lặng lẽ nhìn những “học trò đặc biệt” của mình tập những bài tập thể dục, vận động, cô Tâm mỉm cười bảo: Khi tôi quyết định nghỉ việc, mở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiện Tâm này, mọi người ai cũng nói tôi bị “điên”, cho rằng tôi đang “đánh cược” cả sự nghiệp, tương lai để làm việc phiêu lưu. Giờ thì nhiều người đã thay đổi suy nghĩ của mình rồi.
Cô Tâm kể, sống cùng chị gái câm điếc bẩm sinh, chứng kiến cảnh bố mẹ đi khắp nơi tìm chỗ cho chị học nhưng không nơi nào nhận, từ đó đã hình thành ước mơ làm cô giáo dạy học sinh chuyên biệt trong cô.
“Tại sao mình được đi học còn chị thì không, còn bị mọi người kỳ thị, mình phải học trường nào mà có thể giúp được chị. Tôi tìm hiểu và quyết định học ngành Giáo dục chuyên biệt tại Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh”, cô Tâm chia sẻ.
Ra trường, dự thi tuyển công chức, cô Tâm được phân về giảng dạy tại trường mầm non trên địa bàn huyện huyện Đắk Song cách nhà 9km. Đến năm 2016, Tâm xin chuyển công tác về Trường mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Đắk Mil gần nhà.
Được học chuyên ngành và có tình cảm đặc biệt với trẻ khuyết tật, cô Tâm hay để ý và nhận ra, có nhiều trẻ bị khuyết tật đang sống xung quanh. Lẽ ra các em cũng phải được đến trường, hòa đồng cùng bạn bè, thì các em lại bị cô lập bởi những khác biệt.
Do vậy, cô đã nhận dạy ngoài giờ miễn phí cho trẻ khuyết tật quanh khu vực. Lớp học đặc biệt chỉ duy trì vào ngày cuối tuần. Nhiều em nhỏ thiếu may mắn theo học cô Tâm dần bắt nhịp cuộc sống đời thường, vui vẻ, lạc quan hơn.
“Phụ huynh biết đưa con đến xin học. Khi số trẻ đông hơn, tôi và một số bạn tình nguyện viên thành lập Câu lạc bộ chuyên biệt Thiện Tâm, giúp đỡ, hỗ trợ những em nhỏ thiếu may mắn. Ngày ấy, lớp học hoàn toàn miễn phí nên nhiều người bảo tôi “không bình thường””, cô Tâm kể lại.
Năm 2019, quyết định nghỉ việc, mở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiện Tâm, với mong muốn có cơ sở vật chất tốt để nhiều trẻ khuyết tật được học. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con đến trung tâm để học. Nhiều em nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Đắk Lắk cũng được bố mẹ đưa tới đây, với hy vọng con cải thiện được nhận thức, biết tự chăm sóc bản thân.
Mới hoạt động được 3 năm, đến nay trung tâm đã giúp 68 trẻ hòa nhập cộng đồng. Hiện, trung tâm có 35 trẻ, 11 giáo viên, trong đó có 5 cháu ở xã ở nội trú, còn lại các cháu học bán trú. Đặc biệt, trung tâm hỗ trợ miễn học phí 7 bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Hạnh phúc khi trao, gửi yêu thương
7 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, mỗi buổi học phần lớn là tiếng học trò gọi cô giáo. Khi các em mong muốn điều gì, khó khăn gì, khi buồn, khi vui đều gọi cô Tâm. Mỗi học sinh đều để lại những ấn tượng, những kỷ niệm mà dù các em ra trường hòa nhập cộng đồng cô vẫn dõi theo.
Bị chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, 3 tuổi bé Phan Đức Phúc, ở thị trấn Đắk Mil đến trung tâm để nhờ can thiệp. Nhà cách trung tâm 2km, mẹ đều đặn sáng đi, chiều về, ở nhà bố mẹ kiên trì luyện tập cho bé, sau 2 năm bé đã cải thiện rất nhiều. Vào lớp 1 bé thích ứng tốt và theo kịp các bạn, mỗi lần gặp cô ở ngoài bé đều gọi to “cô Tâm”.
Thực ra, ngoài xã hội nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về khiếm khuyết của trẻ, nên chưa có cái nhìn cởi mở đối với trẻ khuyết tật. Nhiều phụ huynh không nhận ra hoặc không chấp nhận con bị khiếm khuyết. Cũng chính vì thế, nhiều trẻ không có cơ hội được can thiệp sớm, được học tập, rèn luyện đúng cách để cải thiện.
Mỗi trẻ một dạng tật ở nhiều mức độ, mỗi trẻ có một tính cách nên buộc phải có giáo án riêng cho từng em. Có trẻ cần tăng cường hoạt động nhóm để tương tác rèn luyện kỹ năng vận động, chỉnh âm, nhận biết môi trường xung quanh. Có em lại phải tăng cường giáo dục cá nhân, kèm một cô, một trò để giúp các em khắc phục hạn chế nhanh hơn.
Để giúp các cháu hòa nhập, nhiều lúc tôi cũng phải “điên” như cách mọi người nói để hòa quyện tâm hồn với trẻ. Nếu không đặt mình vào vị trí của trẻ, thì các cháu khó mà cải thiện được. Các thầy cô giáo ở đây cũng vậy, tất cả đều có cái tâm hiền hòa với trẻ.
Thầy Phạm Hoài Bắc, giáo viên nam duy nhất tại trung tâm, cũng từ giáo viên tiểu học chuyển đến dạy tại trung tâm. Thầy Bắc chia sẻ, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ, nhận thấy các em cần những người yêu thương mình thật sự nên thầy cảm mến và tự thay đổi bản thân để thích ứng với các em.
Thầy Bắc nói, “đến với trẻ khuyết tật như một cái duyên, nhưng yêu thương trẻ phải bằng cái tâm. Thấy các cháu tiến bộ mình vui và hạnh phúc”.
Tất cả các giáo viên ở đây đều có chung cảm xúc, chỉ cần nhìn thấy sự thay đổi của các em, nhìn thấy sự tiến bộ của các em đã là niềm vui lớn.
Năm 2020, cô Tâm được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội, và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cô cũng là 1 trong 400 cá nhân, tổ chức tiêu biểu được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên dương “Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” năm 2020.