Những dấu mốc đáng nhớ
Ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển KT-XH các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135).
CT135 có mục tiêu tổng quát: “Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng”.
CT135 giai đoạn I (1999 - 2005) được bắt đầu từ 1.000 xã nghèo nhất của nước ta và dần mở rộng ra 2.362 xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu với 5 nội dung trọng tâm: Xây dựng cơ sở hạ tầng; trung tâm cụm xã; đào tạo cán bộ; quy hoạch dân cư; phát triển sản xuất. Với tổng nguồn lực của Chính phủ đầu tư cho CT giai đoạn này là 6.795,7 tỷ đồng, sau 7 năm triển khai thực hiện, CT135 đã xây dựng được 20.026 công trình hạ tầng; hoàn thành, đưa vào sử dụng 300 trung tâm cụm xã; hoàn thành trên 50.000km đường các loại; 96% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Cả nước có 671 xã ĐBKK hoàn thành cơ bản mục tiêu CT đề ra.
Giai đoạn II (2006 - 2010), CT135 tiếp tục triển khai thực hiện trên địa bàn 1.946 xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.274 thôn, bản ĐBKK vùng DTTS, miền núi (thuộc xã vùng II) với 4 nhiệm vụ chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn ĐBKK; đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đến hết năm 2009, CT135 giai đoạn II đã đạt được một số chỉ tiêu: 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 31,2%. CT đã hỗ trợ 14.000 tỷ đồng cho các địa phương; xây dựng 4.125 mô hình phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; xây dựng trên 12.000 dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở. UBDT đã tập huấn cho 3.500 lượt cán bộ tham gia quản lý CT135 từ cấp tỉnh đến cấp huyện; thành lập 1.500 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho các xã.
Trong giai đoạn III, CT135 được chia làm 2 giai đoạn, từ 2011 - 2015 và từ 2016 - 2020. Từ năm 2011 - 2015, CT135 tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm, là hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn 2.331 xã và 2.932 thôn bản ĐBKK. Tính cả viện trợ của các tổ chức nước ngoài, tổng nguồn kinh phí bố trí cho giai đoạn này lên tới 16.721 tỷ đồng. Sau 5 năm triển khai thực hiện, 98% trung tâm xã và 70% thôn đã có điện lưới quốc gia. 58,94 xã có hệ thống thủy lợi nhỏ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.
Từ năm 2016 - 2020, CT135 là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, triển khai trên địa bàn 2.139 xã và 3.973 thôn bản khó khăn, với 3 nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (trong đó có dự án thành phần CT135), đã có gần 20.000 tỷ đồng được phân bổ cho các địa phương được thụ hưởng triển khai phát triển KT-XH. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 95/292 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5%. Có 1.298/3.973 thôn ĐBKK (32,67%), 125/2.193 xã ĐBKK (5,69%) hoàn thành mục tiêu CT135.
Khẳng định “thương hiệu” trong xóa đói giảm nghèo
Tại Hội thảo “CT135 - Dấu ấn 20 năm đồng hành với đồng bào DTTS và vùng KT-XH ĐBKK”, do Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2018, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhận định, suốt 20 năm triển khai thực hiện (1999 - 2018), CT135 đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành; sự đón nhận, ủng hộ của các cấp địa phương và người dân; sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của nhiều cơ quan Chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Hơn 20 năm qua, CT135 đã đạt được nhiều thành tựu, tập trung một số nội dung như: Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi, vùng KT-XH ĐBKK được đầu tư với hàng ngàn công trình (đường giao thông liên thôn, xã, trường học, trạm y tế, công trình hỗ trợ tưới tiêu, nhà sinh hoạt cộng đồng); nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp người dân vươn lên thoát nghèo...
Có thể nói, CT135 cũng như các chính sách dân tộc đã tạo ra bước phát triển vượt bậc vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK. Đến nay, hầu hết các xã ĐBKK đã có đầy đủ các công trình hạ tầng: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm nhanh theo từng giai đoạn: 1999 - 2005 giảm 4,5%/năm; từ 2006 đến nay giảm khoảng 3,5%/năm…
Từ sự quan tâm và cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, CT135 đã trở thành “thương hiệu” của UBDT nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; là điển hình cho sự quan tâm về mặt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK; là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển KT-XH và áp dụng chính sách an sinh đặc thù; là mô hình để các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư hỗ trợ, cũng như kinh nghiệm giảm nghèo trên bình diện quốc tế.