Lợi thế phát triển sản phẩm OCOP
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP Hà Nội, Chương Mỹ có 175/208 làng có nghề, 35 làng nghề truyền thống đã được công nhận làng nghề; 94 hợp tác xã. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Chương Mỹ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Tính đến hết tháng 8/2021, toàn huyện có 59 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và xếp loại. Trong đó, có 01 sản phẩm được đánh giá phân hạng tiềm năng 5 sao, có 47 sản phẩm được đánh giá phân hạng 4 sao, 11 sản phẩm được đánh giá phân hạng 3 sao. Chương Mỹ, phấn đấu hết năm 2021 có thêm 40 sản phẩm được đánh giá phân hạng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, toàn huyện cũng có 559 trang trại chăn nuôi, gieo trồng; 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; 10 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Chương Mỹ đã có 258 sản phẩm đã cấp mã truy xuất nguồn gốc QRCode.
Các sản phẩm được đánh giá của huyện Chương Mỹ bao gồm: Hộp vuông đan mây, Khay lục giác đan mây, Đĩa tròn đan mây của Công ty TNHH mỹ nghệ Hoa Sơ; Trứng gà Tiên Viên của Công ty Cổ phần Tiên Viên; Trà Hoàn ngọc túi lọc SADU, Trà túi lọc Cà gai leo SADU của Công ty CPNN công nghệ cao Thăng Long; Bưởi Diễn Nam Phương Tiến của Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến; Các loại rau của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn; ...
Kết quả đánh giá của Tổ tư vấn là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội đến năm 2021 chứng nhận "Sản phẩm OCOP cấp Thành phố", cấp sao cho các sản phẩm của huyện Chương Mỹ.
Anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH mỹ nghệ Hoa Sơn ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa chia sẻ: nhận thấy quê mình nghề mây tre đan là nghề truyền thống của địa phương, hầu hết nguyên liệu đã có sẵn, nên tôi đã nghĩ phải tạo ra sản phẩm hàng hóa từ mây tre, nứa, lá cây. Từ ý tưởng đó, tôi đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất, chế tạo mẫu mã sản phẩm từ mây, tre, lá cây ...
Sau 2 năm tham gia chương trình OCOP, hiện nay sản phẩm Hộp vuông đan mây được đánh giá đạt sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm như: Đĩa tròn đan mây, Khay lục giác đan mây, Bộ lót ly (chất liệu mây tre), Lọ hoa đan mây… của cơ sở được đánh giá đạt sản phẩm đạt 4 sao cấp Thành phố, trở thành mặt hàng nổi tiếng và được tiêu thụ chủ yếu trên thị trường ngoài nước, như: Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, I Ran, Mỹ, Đức...
Mỗi ngày cơ sở hoạt động từ 7 giờ sáng đến 21 giờ 30 tối để có đủ lượng hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, bình quân tiêu thụ hết 30 – 35 kg nguyên liệu chính, sử dụng từ 60 - 70 lao động và cho ra thị trường trên 1.000 chiếc sản phẩm các loại.
Tương tự, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang ở làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa chia sẻ: Sau khi được tham gia thực tế về hiệu quả của dự án OCOP tại Chiềng Mai (Thái Lan) vào năm 2018, tôi đã mạnh dạn tham gia vào chương trình OCOP khi TP. Hà Nội triển khai. Chương trình đã tạo không khí thi đua hào hứng, phấn khởi, lan tỏa trong làng nghề, đặc biệt là sự vào cuộc của các nghệ nhân có tay nghề cao đã vừa bảo lưu, phát triển được sản phẩm truyền thống, vừa sáng tạo sản phẩm mới lạ, độc đáo, phù hợp thị hiếu của khách hàng.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, Công ty đã có khoảng từ 200 -300 sản phẩm, mẫu mã khác nhau. Trong đó, có 11 sản phẩm được đánh giá phân hạng 4 sao, như: Bộ đèn đan vảy rồng, Bát bộ ba, Khay để hoa quả, ...
"Trước dịch, mỗi tháng doanh thu đơn vị đạt hơn 1 tỷ, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 10 - 15 lao động tại chỗ, thu nhập trug bình từ 5- 6 triệu đồng/tháng/người và 200 – 500 người vệ tinh, làm các khâu, công đoạn nhỏ", Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh cho biết.
Tập trung thực hiện các mục tiêu quan trọng
Để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành, tập huấn cho các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong năm 2021, chúng tôi triển khai làm thêm các sản phẩm của làng nghề mây tre đan xã Phú Nghĩa, mô hình chăn nuôi gà thảo dược của HTX Nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu được công nhận đạt OCOP của Thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia, mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; Đa dạng hóa các sản phẩm OCOP mới, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... để có đầu ra bền vững.
Bước đầu có thể khẳng định, chương trình OCOP là giải pháp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và góp phần sớm đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới thành công ở hyện Chương Mỹ. Với sự chăm chỉ, cần cù tiếp cận nhanh của người dân, cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền huyện, các sản phẩm OCOP của Chương Mỹ sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.