Có thể coi đây là nơi mua bán độc nhất ở miền Tây vì chợ nhóm trên một đỉnh núi từng được mệnh danh là nóc nhà của Đồng bằng sông Cửu Long. Gọi là chợ Mây vì chợ nhóm từ lúc gà gáy canh năm, sương mù hãy còn phủ trắng trên đỉnh núi.
Mặc dù là chợ nhóm trên núi khá đơn sơ nhưng số người mua bán rất tấp nập, vì đây là nơi được xem như điểm đầu mối, trung chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân sinh sống rải rác trên núi Cấm và phục vụ khách hành hương, du lịch mỗi ngày. Chợ tuyệt nhiên không có sạp hay quầy cố định, người bán tự gánh hàng đến bày ra trên một thảm cỏ hoặc lề đường, với nhiều mặt hàng phong phú, đa phần là sản vật địa phương như: rau rừng, trái cây, khoai củ, mắm muối, nhang đèn, bánh trái... Đặc biệt, khi đến đây, du khách sẽ bắt gặp những đặc sản của núi Cấm: xoài, bơ, su non, măng tre, đọt bứa, bằng lăng rừng, đọt chiếc, ngành ngạnh, lá cách, lá phổi bà, đinh lăng, đinh hương, cát lồi…
Hoạt động mua bán và trao đổi hàng hóa trong khoảng 2 tiếng đồng hồ là tan chợ. Sau đó, người họp chợ chia nhau mỗi người một ngả, tiếp tục quang gánh đi khắp các ngõ ngách trên đỉnh núi bán cho khách du lịch và nhà dân, đến khi hết hàng mới xuống núi về nhà.
Tại đây, chợ họp trong chớp nhoáng nên người mua kẻ bán trả giá rất nhanh, gọn, không cò kè bớt một thêm hai. Ông Nguyễn Văn Hữu ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo cho biết: Chợ Mây là chợ tự phát có từ rất lâu. Lúc đầu, chỉ có rất ít người mua bán nông, lâm sản trồng trên núi, dần dần nhu cầu của người dân tăng lên nên chợ cũng phát triển, với nhiều mặt hàng hơn. “Trước đây, ít người để ý nhưng sau khi tượng Phật Di Lặc khánh thành, du khách đến tham quan, chiêm bái ngày càng đông nên chợ này được nhiều người biết đến. Khách qua đây cũng muốn thưởng thức các món bánh dân gian, đặc sản dân dã tại ngôi chợ độc đáo này”, ông Hữu nói.
Hơn 4 giờ sáng, trời còn mù sương, nhiệt độ trên núi Cấm chỉ hơn 20 độ C thì nhiều bạn hàng chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer sống dưới chân núi Cấm đã gồng gánh hàng lên núi mưu sinh. Hàng ngày, chị Neang Sà Bượl ở ấp An Hòa (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) phải thức dậy từ 4 giờ sáng chở thịt heo lên núi Cấm để bán. Chị Sa Bượl chia sẻ: “Ðể đưa những gánh hàng lên tới chợ, mình phải vượt hơn 4.000 mét đường đất đá vô cùng vất vả. Hôm nào hàng nhiều, mình đi đường nhựa nhưng phải thuê xe ôm chở lên một đoạn dốc rồi tiếp tục đi bộ. Vất vả một chút nhưng bán được giá hơn dưới chân núi, với lại mình có khách quen nên thu nhập cũng ổn định”.