Về Đại Sơn đi chợ Ú
4 giờ sáng một ngày tháng Chạp, trời rét căm căm, ấy thế mà những ngả đường đổ về chợ Ú đã nhộn nhịp. Trên nền đất ẩm của chợ Ú, mấy bếp lửa được nhóm lên như để xua bớt cái lạnh thấu xương. Những thương lái đến sớm đã cột trâu, bò vào thành xe, chúng thở phì phì, móng sắt nện xuống nền lộp cộp…
Trời sáng tỏ mặt người, chợ Ú náo nhiệt hơn bởi tiếng người trả giá, tiếng trâu ọ, tiếng bò rống. Kẻ bán, người mua hào hứng ra giá, hồ hởi đếm tiền trao trâu, dắt bò.
Hơn 10 năm gắn bó với những phiên chợ Ú, “lái trâu” Nguyễn Văn Đồng, quê xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cho biết: “Bất kể nắng mưa, chừng 4 giờ sáng, chợ đã nhộn nhịp nhưng gần 10 giờ là chợ vãn”.
Chợ Ú họp ngay giữa trung tâm xã Đại Sơn. Đây là vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc thông thương. Từ chợ, có thể ngược lên trung tâm huyện Đô Lương theo đường Khuôn - Trù - Đại, có thể đi qua Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) theo Tỉnh lộ 34 về TP. Vinh hoặc có thể rẽ qua Yên Thành để ra Quốc lộ 7A.
Thời gian đầu, trong chợ Ú có đầy đủ các loại hàng hóa phục vụ dân sinh, nhưng nay chủ yếu dành cho hoạt động mua bán trâu, bò. Không chỉ người làng, bà con quanh vùng mỗi lúc có nhu cầu cũng tìm về chợ Ú. Tiếng lành đồn xa, các thương lái từ khắp nơi tìm về ngày một đông. Hiện chợ họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 với lượng trâu, bò được giao dịch đến hàng nghìn con mỗi phiên.
Kinh nghiệm chọn trâu
“Con trâu là đầu cơ nghiệp, thế nên việc lựa chọn con giống rất cầu kỳ, tốn nhiều thời gian bởi nó có thể báo trước gia chủ gặp phúc hay họa”, ông Nguyễn Văn Năm, ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ kinh nghiệm. Rồi ông Năm trải lòng: “Nhà tôi vùng đồi núi, muốn chọn con trâu khỏe, giống thuận để kéo gỗ keo sau thu hoạch”. Ông Năm đứng bên con trâu tơ màu đen, có lẽ phải gần 1 giờ, ông và mấy người đi cùng nhóm mới “soi” hết chân tướng con trâu mà ông định tậu về.
Theo kinh nghiệm của ông Năm và những lái buôn thì khi chọn trâu, phải tránh những con có: “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sa. Có ba thứ ấy cửa nhà ra đi”. Kế đó là “kỵ nhất là “trâu cười”, nghĩa là khi đêm đến, dùng đèn soi vào mặt trâu thì nó nhe răng. Hai là trâu “tam trinh”, còn gọi là con trâu có 3 mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ 3. Ngoài ra, bò “bạch nhiệt” hay bò “đốm đuôi”… là những con cần tránh khi lựa chọn.
Rất nhiều lái trâu cho biết, trâu, bò dễ bán nhất khi có những đặc điểm: “Mồm gàu giai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, dễ nuôi.
Suốt cả phiên chợ, chúng tôi rất ngạc nhiên trước những anh lái buôn luôn mồm hét con này bao nhiêu thành thịt, con kia bao nhiêu cân… dù không qua một công đoạn cân đo nào. Lái buôn Trương Hữu Thắng quê Thanh Hóa tiết lộ: “Tiêu chí lựa chọn trâu hàng đầu là những con có lông to, cứng, da xù xì vì chúng nhiều thịt, xương nhỏ. Thường thì những con giống “nghịch” lại là cơ hội kiếm lãi đối với người buôn”.
Muôn kiểu kiếm tiền
Từ chiều hôm trước diễn ra phiên chợ, nhiều xe chở trâu, bò đã tập kết khắp các đường làng quanh chợ Ú. Một loạt dịch vụ ăn theo đã ra đời từ đây. Nào là nơi bán thức ăn, nước uống cho trâu, bò; nào là nơi dựng lán trại để chủ trâu bò thuê làm chỗ nhốt tạm.
Bà Nguyễn Thị Vân, người dân sống gần chợ Ú hào hứng khoe: “Mỗi phiên chợ, từ bán thức ăn, cho thuê chỗ nhốt tạm trâu, bò cũng kiếm được kha khá. Tính ra, mỗi con thuê nhốt được 15.000 - 20.000 đồng. Mỗi tháng có 6 phiên họp, trừ các khoản chi tiêu hằng ngày, gia đình cũng tích cóp được một khoản”.
Có những lái buôn đến chợ mang theo hàng chục con trâu, bò. Một mình chẳng thể cáng đáng hết, họ sẵn sàng chi tiền cho người dân địa phương “đòi trâu” - dắt thuê. Ở chợ Ú này, những người theo nghề “đòi trâu” là trẻ em, phụ nữ. Mỗi con trâu, bò được thuê dắt có giá dao động từ 3.000 - 5.000 đồng cho một chiều. Nếu ra chợ không bán được, khi dắt trâu bò quay lại cũng vẫn được trả công bình thường.
Vùng Trù Sơn, Đại Sơn… chẳng ai lạ những kẻ ít vốn “buôn ngồi”. Đó là những người mua trâu, bò gầy yếu về vỗ béo, đợi vài ba phiên sau dắt đến chợ bán. May mắn, họ có thể kiếm lãi 500 - 700 ngàn đồng mỗi con. “Có không ít gia đình cha bỏ vốn tìm những con trâu, bò ốm yếu vỗ béo rồi bán. Vợ và con, người bán thức ăn, người cho thuê chuồng trại, người làm nghề “đòi trâu”. “Vất vả, khó nhọc nhưng thu nhập cao hơn gấp mấy lần làm nông”, ông Nguyễn Tất Tuấn ở xã Đại Sơn tâm sự.
Chẳng nơi đâu kiếm tiền dễ như ở chợ Ú. Chỉ riêng nghề dắt mối, “cò” cũng đã có bộn tiền sau mỗi phiên chợ. Khách cần chọn những con trâu, bò ưng ý nhất, thời gian nhanh nhất thì chỉ cần nhờ người đưa mối.
“Hiện nay, có khoảng 60% hộ dân trên địa bàn xã Đại Sơn có thu nhập từ chợ Ú. Hoạt động của chợ đã tạo thêm nguồn vốn để giải quyết những khó khăn của địa phương, tạo thêm việc làm cho nhiều người...”, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Nguyễn Cảnh Lâm thông tin./.