Lợi ích “kép”
Xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hiện có 2.200 ha rừng được quản lý. Hằng năm, xã được chi trả trên 600 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Trước đây, bảo vệ rừng đôi lúc chỉ được xem là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, còn người dân sinh sống gần rừng ít quan tâm. Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.
Ông Lường Văn Dùi, Chủ tịch UBND xã Mường Bằng cho biết: Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực. Chính quyền xã đã rà soát, bổ sung quy định nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Các cộng đồng bản có thêm điều kiện hỗ trợ bà con sinh kế, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương.
Theo tổng hợp của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh Tây Bắc, trong năm 2023, nguồn thu DVMTR tại 7 tỉnh đạt 1.270 tỷ đồng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan mở tài khoản và chi trả tiền DVMTR (nguồn năm 2023) đến 124.702 chủ rừng với tổng số tiền 1.144 tỷ đồng.
Tại bản Phang Hụm Có, xã Mường Bằng được giao quản lý gần 900 ha rừng, trong đó, có 800 ha rừng được chi trả trên 220 triệu đồng DVMTR rừng/năm.
Theo ông Cà Văn San, Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Phang Hụm Có, xã Mường Bằng, mỗi năm, khi nhận được tiền từ DVMTR, bản đều họp bàn với người dân để sử dụng số tiền được chi trả.
“Số tiền nhận về bản đã đầu tư xây dựng cầu treo qua suối, bê tông gần 7 km đường giao thông, mua giống cây phân tán về trồng dọc tuyến đường nội bản và chi trả công cho 26 người đội quần chúng bảo vệ rừng”, ông San cho biết.
Chính sách chi trả DVMTR còn mở ra cơ hội tăng thu nhập ổn định cho người dân sinh sống gần rừng. Khoản tiền chi trả không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống vật chất mà còn giảm bớt áp lực kinh tế, từ đó giảm thiểu các hoạt động khai thác rừng trái phép vì lợi ích trước mắt.
Theo ông Và A Tú - cán bộ Hạt Kiểm lâm Mai Sơn, tỉnh Sơn La, từ khi có chính sách chi trả DVMTR đã giúp bà con nơi đây nhận thức tốt hơn, ý thức cao hơn về bảo vệ rừng.
“Nhờ chính sách chi trả DVMTR, cùng với phương án phòng cháy chữa cháy rừng được xây dựng bài bản, các tổ đội bảo vệ rừng hoạt động tích cực vào mùa khô hanh từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, thì người dân thường xuyên tuần tra, canh gác các địa điểm rừng dễ cháy. Khi người dân có tiền đó giúp họ cải thiện được đời sống và góp phần hạn chế khai thác rừng trái phép”, ông Tú cho biết.
Gìn giữ tài nguyên rừng
Hiện nay, tại huyện Mai Sơn có trên 43.000 ha rừng đang được chi trả DVMTR. Năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi nhánh Mai Sơn - Yên Châu đã chi trả cho 5.975 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội và UBND các xã trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Hiện huyện Mai Sơn đang tập trung quản lý 56.000 ha rừng hiện có; chăm sóc 300 ha rừng trồng phòng hộ; khoanh nuôi tái sinh khoảng 500 ha rừng tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 39%.
Ông Hà Văn Thoát, Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi nhánh Mai Sơn - Yên Châu, cho biết: Đảm bảo đúng tiến độ, minh bạch trong việc chi trả, Quỹ đã phối hợp với các huyện, xã bản thực hiện, kiểm kê, rà soát các diện tích được chi trả đúng với hiện trạng. Năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn thực hiện chi trả qua tài khoản cho các chủ rừng, với tổng số tiền trên 10,5 tỷ đồng.
“Với kinh phí DVMTR, Quỹ đã phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt hướng dẫn các bản xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR, bảo đảm công khai, minh bạch. Từ nguồn kinh phí này, các bản đã xây dựng được nhiều công trình phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân, như làm đường, xây dựng nhà văn hóa bản, công trình nước sinh hoạt, sân thể thao...”, ông Thoát cho hay.
Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần quan trọng cải thiện diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Mai Sơn nói riêng, cả nước nói chung. Đây cũng là nguồn kinh phí quan trọng để các tổ, đội quần chúng ở cơ sở nâng cao trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân, tạo động lực để người dân gắn bó, giữ gìn và phát triển rừng.
Ngoài những lợi ích nội tại, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần thúc đẩy thiện cảm cộng đồng và sự công nhận của quốc tế đối với những nỗ lực bảo vệ môi trường của Việt Nam. Khi cộng đồng tham gia tích cực vào việc bảo vệ rừng, họ không chỉ đóng góp vào nỗ lực quốc gia mà còn tạo ra hình ảnh một đất nước cam kết với sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường toàn cầu. Sự thành công trong việc thực hiện chính sách này cũng có thể thu hút các nguồn lực quốc tế và các dự án hỗ trợ quốc tế vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy hơn nữa công tác bảo vệ rừng.
Trong thời gian tới, với những kết quả thí điểm của Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, kỳ vọng rằng DVMTR sẽ được mở rộng và hiện thực hóa thêm loại dịch vụ mới là hấp thụ và lữu giữ các-bon của rừng, sẽ góp phần bổ sung thêm nguồn lực phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và người dân có thêm niềm tin giữ rừng, sống gắn bó với rừng.