Tại xã Cẩm Tú, Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Tiệm cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện và ngân sách địa phương, năm 2020, xã đã đầu tư sửa chữa nâng cấp khu trung tâm văn hóa và sân thể thao; sửa chữa đập ông Điểm; kiên cố hóa hệ thống kênh mương ở các thôn Bắc Sơn, Liên Sơn, Thuần Lương, Bình Xuyên; xây dựng 4 phòng học Trường THCS Cẩm Tú; làm mới 2,35km đường giao thông; nâng cấp, chỉnh trang chợ Cẩm Tú.
Ngoài ra, chi bộ và ban công tác mặt trận các thôn Thái Bình, Liên Sơn, Thái Học, Lương Thành,Thuần Lương còn vận động Nhân dân, đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường giao thông và chỉnh trang, nâng cấp nhà văn hóa thôn. Các công trình được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp không chỉ tạo diện mạo mới cho xã, mà còn thúc đẩy sản xuất ở Cẩm Tú phát triển.
Cùng với Cẩm Tú, ngay sau đại hội Đảng, các xã khác trong huyện Cẩm Thủy cũng nhanh chóng triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Bên cạnh phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, các xã còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao; tuyên truyền, vận động Nhân dân tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra cuối tháng 5-2020, đã đề ra 27 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, an ninh trật tự và xây dựng Đảng; xây dựng 3 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Với quan điểm nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, nên trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết, huyện Cẩm Thủy đã xác định hướng đi, đó là phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 4,48%/năm.
Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo các xã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, bằng việc vận động Nhân dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, gắn với tích tụ, tập trung đất đai để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn.
Năm 2020, toàn huyện đã chuyển đổi được 87,61 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao; tích tụ, tập trung được 700 ha đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chỉ đạo trồng, chăm sóc hơn 72 ha cây gai xanh. Toàn huyện hiện có 31 trang trại chăn nuôi, 6 trang trại trồng trọt và tổng hợp, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.
Cùng với nông nghiệp, du lịch cũng được xem là ngành kinh tế mà huyện Cẩm Thủy có nhiều tiềm năng, lợi thế. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Bá Thước khai thác hiệu quả các tour du lịch Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương - Lam Kinh và Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương - Pù Luông. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng trong năm 2020 huyện Cẩm Thủy đã đón trên 145.000 lượt khách du lịch.
Khép lại năm 2020, với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế của huyện Cẩm Thủy vẫn có mức tăng khá, với tốc độ gia tăng giá trị sản xuất 11,99%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng. Những kết quả đạt được đã và đang tạo tiền đề vững chắc, lực đẩy mạnh mẽ để địa phương hướng đến mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2025.