Năm 2019, công tác CCHC của Thanh Hóa xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó tỷ lệ hài lòng về yếu tố kết quả đạt 90,07%. Đây là sự bứt phá so với nhiều năm về trước. Để có được kết quả này, tỉnh Thanh Hóa đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là việc đổi mới tư duy, chuyển mạnh từ cơ chế “xin - cho” - một trong những nguyên nhân chính của biểu hiện “hành dân”, “hành doanh nghiệp” sang cơ chế “phục vụ”.
Cùng với đó, nhiều cách làm sáng tạo đã được thực hiện nhằm loại bỏ những rào cản giữa công dân với chính quyền địa phương. Nổi bật như mô hình “hòm phiếu đánh giá sự hài lòng”; “hòm thư góp ý”; công khai xin lỗi khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chậm trễ...
Ngoài mục tiêu “3 giảm” là, giảm thời gian đi lại, giảm thời gian chờ đợi và giảm chi phí giải quyết TTHC, những mô hình này đã khắc phục đáng kể tình trạng nhũng nhiễu, trả hồ sơ không đúng hẹn; thể hiện văn hóa ứng xử thân thiện, cởi mở, tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, mới thấy rõ được sự thay đổi trong giải quyết thủ tục hành chính. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục nhưng mọi việc đều được giải quyết nhanh chóng.
Lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho rằng, việc CCHC muốn đạt được hiệu quả, thì trước hết cần phải “cải cách” yếu tố con người, nghĩa là phải đổi mới tư duy, phong cách làm việc, tinh thần thái độ phục vụ của chính đội ngũ cán bộ, công chức.
Khi đến cấp cơ sở, chúng tôi cũng nhận thấy, người dân ngày càng hài lòng hơn với phong cách phục vụ và thái độ làm việc của chính đội ngũ cán bộ, công chức địa phương.
Điển hình như, tại huyện biên giới Quan Sơn, năm 2020 huyện đăng tải được 100% thủ tục hành chính cấp huyện trên trang thông tin điện tử huyện để tiện cho các tổ chức, công dân cập nhật, tra cứu khi có nhu cầu; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp niêm yết công khai tại trụ sở theo quy định. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh, tính đến ngày 02/11/2020 đã áp dụng: mức độ 3 có 52 TTHC; mức độ 4 có 21 TTHC.
Nói về hiệu quả CCHC tại địa phương, chị Hà Thị Huê, ở thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn cho biết: “Tôi rất hài lòng với cách giải quyết thủ tục hành chính của phòng một cửa. Buổi sáng tôi đến nộp hồ sơ, thì chiều đã được gọi lên lấy kết quả. So với trước đây thì đúng là có sự thay đổi rõ rệt”.
Ông Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn thông tin: Trong năm vừa qua, UBND huyện tiếp nhận: 1420 hồ sơ, trong đó: có 1284 được giải quyết đúng và trước hạn, còn lại đang trong hạn giải quyết, đặc biệt không có hồ sơ quá hạn.
Cũng chính từ việc thực hiện đột phá trong CCHC, nên việc thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa những năm qua có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2016-2020, có 1.110 dự án đầu tư vào Thanh Hóa với tổng vốn đăng ký 186.220 tỷ đồng và 3,64 tỷ USD. Cùng với thu hút đầu tư từ DN trong nước và nước ngoài, tỉnh đã chú trọng vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, NGO, nguồn lực của nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội.