Những cách tân táo bạo
Thời gian qua, chất liệu thổ cẩm được các nhà thiết kế (NTK) trong nước và nước ngoài yêu thích. Một số NTK đã sáng tạo ra nhiều mẫu trang phục đẹp, với sự phối hợp tinh tế giữa chất liệu thổ cẩm và xu hướng thời trang hiện đại. Tuy nhiên, cũng có nhiều NTK tạo ra những sản phẩm mà chính họ cũng không biết đó là của dân tộc nào, gây nên những bức xúc, khó chịu đối với cộng đồng các dân tộc.
Mới đây, một cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc Thái tại Điện Biên, đã cho ra nhiều mẫu áo có sự cách tân táo bạo, sử dụng thổ cẩm đỏ (vải khít, tiếng Thái là khít đành, pe đành), mà theo nhiều người Thái có phần giống với những mẫu vải được sử dụng trong đám tang, nhà mồ. Do đó, cộng đồng người Thái có nhiều ý kiến thể hiện sự bất bình, khó chịu.
Bà Cầm Trang Thơ, đại diện nhóm “Người Thái tại Hà Nội”, người có nhiều năm tìm hiểu nghiên cứu về trang phục dân tộc Thái bày tỏ, trang phục của người Thái không bao giờ dùng cả mảng lớn thổ cẩm có nền đỏ chủ đạo (khít đành, pe đành), mà chủ yếu dùng thổ cẩm đỏ trong tang ma, để trang trí nhà mồ, trong các lễ tâm linh hoặc các vật dụng khác… Nên khi nhìn vào các bộ trang phục cách tân này (có thổ cẩm đỏ), thì người Thái sẽ liên tưởng đến những vật trang trí ở nhà mồ, bởi vì nó có nhiều nét tương đồng.
Theo bà Thơ, về phần thiết kế, phần tay áo cách tân từ trang phục truyền thống không nên phá cách thái quá như vậy (1 bên có tay, 1 bên không có tay, lại khoét nách nên phản cảm), có bộ thì dùng nguyên màu trắng làm váy áo rồi phối mảng lớn thổ cẩm vào trông rất kinh dị, bởi người Thái xưa nay không mặc váy truyền thống màu trắng.
“Trang phục mang phong cách ma mị, kinh dị, rợn tóc gáy như vậy mà họ còn khoác lên mình thì đúng là… không ổn”- tài khoản Facebook Lò Văn Vui bày tỏ.
Ngoài ý kiến của bà Thơ và tài khoản Lò Văn Vui, nhiều người Thái, trong đó có nhiều người cao niên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Thái cũng tỏ ra khó hiểu, khi NTK sử dụng chất liệu thổ cẩm đỏ vào trong trang phục truyền thống người Thái.
Có thể thấy rằng, những ý kiến của cộng đồng người Thái là hoàn toàn có cơ sở, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của người Thái trong việc gìn giữ trang phục dân tộc, cũng như giữ hình ảnh dân tộc, hay nói rộng hơn là bản sắc văn hóa dân tộc.
Và điều lo lắng nhất của người Thái là sợ các dân tộc khác hiểu lầm, đây là bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái.
Thời trang là không giới hạn
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chủ Shop XX cho thuê những bộ trang phục mà người Thái lên tiếng. Chủ Shop XX cho biết, em đã tìm hiểu và cũng hỏi ý kiến của ông bà, bà em cũng đã 90-95 tuổi rồi, cũng là người Thái Điện Biên. Bà nói người xưa không hay dùng vải đỏ để trang trí lên trang phục, nhưng nếu muốn thì vẫn dùng được và cũng không ai nói, là kiêng kỵ dùng vải đỏ mặc lên người. Mà chỉ là thiết kế bên em còn mới lạ và chưa được nhiều người, đặc biệt là người dân tộc Thái biết đến nên mọi người phản ứng hơi quá.
“Tuy nhiên, qua những phản hồi của cộng đồng người Thái, em vẫn sẽ lắng nghe và tiếp thu. NTK cũng đã tiếp nhận những phản ánh đó và những bộ sưu tập sau sẽ hạn chế sử dụng vải đỏ ạ”, chủ Shop XX bày tỏ.
Chủ Shop XX cho biết thêm: “Theo em thì trang phục bên em không đi trái thuần phong mỹ tục. Là trang phục cách tân, NTK đã thiết kế 2 bộ trang phục đó rất mới lạ và phá cách. Mà bản thân em nghĩ trang phục cách tân, đa số là để tiếp cận giới trẻ hiện nay. Nên có những sự thay đổi mới lạ để thu hút hơn, và đi cùng đó vẫn giữ được những nét đặc trưng của thổ cẩm dân tộc, không đi trái thuần phong mỹ tục. Thời trang là không giới hạn, giữ gìn cần đi đôi với phát triển”.
Nhiều bạn trẻ người Thái cũng có quan điểm, cần có những cách tân để phù hợp hơn với xu thế thời trang hiện đại và cho rằng, những bộ trang phục của Shop XX rất đẹp, được giới trẻ yêu mến.
Cách tân là cần thiết
Có thể thấy rằng, trang phục truyền thống dân tộc Thái, nhất là nữ giới có một nét riêng biệt, kín đáo nhưng rất gợi cảm và tôn lên đường cong đẹp của người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu cứ giữ khư khư nét cũ sẽ dễ gây nhàm chán với giới trẻ.
Chính sự cách tân phù hợp từ sự thay đổi chất liệu vải, kiểu dáng đã tạo sự mới mẻ, giúp cho trang phục dân tộc Thái được giới trẻ người Thái nói riêng, giới trẻ các dân tộc khác nói chung yêu thích.
Chị Quàng Thị Biên, thợ may trang phục dân tộc Thái tại Bản Chậu, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La chia sẻ, trang phục Thái bây giờ cũng đã khác đi một chút so với trang phục Thái cổ để phù hợp và dễ mặc hơn với cuộc sống. Chị Biên nhấn mạnh, dù cách tân nhưng người thợ may vẫn may theo kiểu dáng cũ của người Thái, và chỉ cần nhìn vào là biết đó là người Thái.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Cầm Trang Thơ cho rằng, trong thiết kế thời trang, rất khuyến khích các nhà thiết kế sử dụng thổ cẩm. Tuy nhiên, khi tạo nên một trang phục lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống thì cần xét nhiều yếu tố, không nên phá cách một cách quá đà.
Trên thực tế, ngoài câu chuyện cách tân trang phục dân tộc Thái, có nhiều NTK đã sử dụng chất liệu thổ cẩm đặc trưng của các DTTS, để sáng tạo ra những bộ trang phục đẹp mắt và thu hút công chúng.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập văn hóa diễn ra mạnh mẽ, giới trẻ ngày càng thích những bộ trang phục phá cách, những mẫu “độc”, “lạ”. Tuy nhiên, cũng có không ít các mẫu thiết kế bị coi là “lố bịch”, phạm phải điều kiêng kị, phản cảm, xúc phạm đến cộng đồng các dân tộc.
Do vậy có thể nói rằng, sự sáng tạo là khuyến khích, nhưng việc thỏa sức sáng tạo cần trong một giới giạn nào đó, vừa thể hiện sự tươi mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng cũng cần đảm bảo nét đặc trưng truyền thống, vừa góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa từ những bộ trang phục các dân tộc. Đây là vấn đề được đặt ra không những riêng đối với dân tộc Thái mà còn với thời trang Việt.