Một trong những đổi thay rõ nét nhất trên quê hương cách mạng là cách nghĩ, cách làm của người dân đã có sự chuyển biến. Kinh tế ở đây vẫn chủ yếu là nông nghiệp, trồng lúa, trồng chè, nuôi gà, nuôi lợn. Thế nhưng, người dân không còn làm ăn manh mún, thủ công như trước mà họ đã biết hòa mình vào dòng chảy của cơ chế thị trường, áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến thăm HTX chè Vĩnh Tân, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, cảm nhận một không khí rất tất bật. Trong khu nhà xưởng khang trang, nhiều thiết bị máy móc được đầu tư để hỗ trợ người sản xuất.
Miệt mài bên chiếc máy vò chè mới được đầu tư, anh Phạm Văn Vịnh, thành viên HTX cho biết, trước đây công đoạn vò chè bằng tay rất vất vả, anh làm cật lực lắm ngày chỉ được 7-10kg. Nay nhờ có máy móc, một ngày anh có thể làm tới 200kg/ngày.
Ông Phạm Văn Tuyến, Giám đốc HTX chè Vĩnh Tân tự hào cho biết: Trong cuộc cách mạng 4.0, người dân Tân Trào đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ đầu tư máy móc như: Máy diệt men hơi khô, dây chuyền bán tự động hóa sản xuất chè an toàn, máy hấp (hơi quá nhiệt), máy vò chè, đóng gói... Nhờ áp dụng máy móc hiện đại, năng suất bình quân trong sản xuất chè của HTX liên tục tăng 8-10 tấn/ha lên mức 12-14 tấn/ha. Thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Hiện, HTX chè Vĩnh Tân đang nâng cấp xưởng chế biến chè với tổng diện tích trên 10.000m2, vốn đầu tư khoảng gần 2 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, xưởng sẽ có công suất chế biến sản phẩm cho khoảng 200ha chè của địa phương. Đây sẽ là động lực để nhiều người nông dân gắn bó và phát triển cây chè, góp phần giữ vững và đưa thương hiệu chè Vĩnh Tân vươn xa ra thị trường.
Không chỉ tích cực áp dụng máy móc trong trồng trọt mà trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân Tân Trào cũng bắt đầu áp dụng khoa học để nâng cao sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thắm ở Tân Trào cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh tế quẩn quanh không thoát được nghèo. Năm 2015, tôi đã mạnh dạn tham gia dự án ứng dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng trong nông hộ. Nhờ áp dụng máy móc, công việc chăn nuôi của gia đình đã có sự đột phá. Hiện nay, gia đình đã tăng quy mô sản xuất đàn lợn lên 20 con, đàn gia cầm 1.500 con. Thu nhập hằng năm lên tới vài trăm triệu đồng”.
Để nâng cao trình độ dân trí, Tân Trào còn tích cực tham gia dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng”. Khi tham gia dự án này, xã Tân Trào được cấp 5 máy tính cùng 1 máy in. Từ khi đưa vào hoạt động, phòng máy tính truy cập internet đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, học sinh đến truy cập, phục vụ nhu cầu thông tin văn hóa, giải trí; ứng dụng trao đổi trực tuyến… Thông qua mạng internet giúp người dân tiếp cận với thông tin khoa học kỹ thuật, văn hóa-xã hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, trong những năm qua, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào luôn chủ động thay đổi từ cách nghĩ, cách làm. Người dân đã nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc hiện đại, áp dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các ngành nghề truyền thống. Nhờ vậy, Tân Trào đã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, về đích từ năm 2014.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao những tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Tân Trào sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và phát triển nhiều mô hình mẫu về phát triển kinh tế để nhân ra diện rộng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất-kinh doanh; phát huy thế mạnh làng nghề sản xuất chế biến chè thôn Vĩnh Tân; phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao Tân Trào…
THIÊN ĐỨC