Trong khoảng 9 ngày nghỉ Tết, lượng khách du lịch nội địa đã vượt xa số khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt) và không kém nhiều lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 (7,3 triệu lượt), trước dịch bệnh Covid-19. Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.
Tại Tây Ninh, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, địa phương ước đón và phục vụ 595.000 lượt khách, trong đó Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đón lượng khách cao nhất trong các dịp Tết từ trước đến nay. Lượng khách tăng đột biến một phần do chính sách kích cầu du lịch của tỉnh Tây Ninh miễn phí vé vào cổng Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh núi Bà Đen trong năm 2022.
Tại Lâm Đồng, tổng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng dịp Tết Nhâm Dần 2022 ước đạt 300.000 lượt, tăng 15,4% so với Tết Canh Tý 2020. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 120.000 lượt, tăng 25,4% so với Tết Canh Tý. Riêng thành phố Đà Lạt, tổng lượt khách lưu trú ước đạt 105.000 lượt, tăng 23,7% so với Tết Canh Tý.
Tại tỉnh Hòa Bình, dịp Tết Nhâm Dần ước đón 84.500 lượt khách tham quan, du lịch; tổng thu từ du lịch ước đạt 65 tỷ đồng. Trong khi đó dịp Tết Canh Tý 2020, khách du lịch nội địa đến Hòa Bình ước khoảng 90.900 lượt khách; tổng thu từ du lịch ước đạt 42 tỷ đồng.
Lượng du khách tăng cao trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 giúp mang lại doanh thu du lịch lớn cho nhiều địa phương. TP. Hồ Chí Minh thu 3.100 tỷ đồng (khoảng 280.000 lượt khách); Khánh Hòa thu trên 524 tỷ đồng (khoảng 98.000 lượt khách); Bà Rịa – Vũng Tàu thu trên 358 tỷ đồng (khoảng 420.000 lượt khách); Hà Giang thu trên 159 tỷ đồng (khoảng 86.000 lượt khách); Kiên Giang thu trên 143 tỷ đồng (khoảng 82.000 lượt); Bình Định thu trên 117 tỷ đồng (khoảng 155.000 lượt khách); Cần Thơ thu trên 44 tỷ đồng (khoảng 196.000 lượt khách)…
Một số địa bàn du lịch trọng điểm cũng ghi nhận tín hiệu khởi sắc như Nghệ An (160.000 lượt), Hà Nội (105.000 lượt), Lào Cai (86.000 lượt), Bình Thuận (75.000 lượt), Thừa Thiên Huế (58.000 lượt), Quảng Nam (50.000 lượt)./.