Phát huy vai trò “hạt nhân” đoàn kết
Nặm Khiếu là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã khu vực III Nhạn Môn (huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Từ năm 2010 đến nay, từ các chương trình, dự án như 30a, 135, 755,… các hộ dân ở Nặm Khiếu được hỗ trợ 61 con bò sinh sản; hơn 3.100kg thức ăn tinh cho gia súc; hỗ trợ tiền để cải tạo, làm mới ao nuôi; gần 1.000 cây giống các loại; hỗ trợ vốn vay hơn 2,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nước sạch sinh hoạt...
Nhờ đó, công tác giảm nghèo ở Nặm Khiếu đạt được kết quả khả quan. Niềm tin về một Nặm Khiếu phát triển của 44 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao nơi đây được củng cố hơn khi trong năm 2022 này, tuyến đường sản xuất Nặm Khiếu - Lủng Quãn được đầu tư, mở đường thoát nghèo cho Nặm Khiếu.
Dù còn nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất (trục đường chính của thôn chưa được cứng hóa, điện lưới chưa kéo về) nhưng bà con nơi đây rất đoàn kết, giúp đỡ nhau và đặt trọn niềm tin vào Đảng, Nhà nước. “Hạt nhân” của khối đoàn kết đó là ông Thào Minh Khyào, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ - Người có uy tín thôn Nặm Khiếu.
Anh Sùng A Sùng, người dân trong thôn được ông Khyào cho mượn đất, mượn bò để sản xuất, chia sẻ: “Với người dân thôn Nặm Khiếu, ông là tấm gương để noi theo. Bởi không chỉ tích cực phát triển kinh tế mà ông còn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời phối hợp hòa giải các mâu thuẫn của người dân trong thôn. An ninh trật tự trong thôn cũng ổn định bởi người dân được ông thường xuyên tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách của xã, của huyện đưa xuống”.
Có lẽ, lên Nặm Khiếu mới thấm thía câu nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025 thì Nặm Khiếu vẫn còn 43/44 hộ nghèo và cận nghèo, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu thốn. Nhưng người dân Nặm Khiếu vẫn đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn; xâu kết sức mạnh nội tại đó là Bí thư Chi bộ - Người có uy tín Thào Minh Khyào.
Ông Thào Minh Khyào là một trong hàng chục nghìn Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên cả nước đã và đang kết nối sức mạnh đoàn kết ở những thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, trong đồng bào DTTS hiện có 29.567 Người có uy tín. Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách đối với Người có uy tín cho thấy, Người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Người có uy tín thực sự là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với đồng bào các DTTS trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và đoàn kết các dân tộc”, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP nhận định.
Củng cố thế trận lòng dân
Trong hành trình củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết ở thôn, bản, ông Thào Minh Khyào cũng như đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS thường xuyên được cung cấp thông tin, bồi dương kiến thức để phát huy vai trò của mình. Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2011 - 2021, các địa phương đã tổ chức 4.453 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin cho 182.076 lượt Người có uy tín; tổ chức 1.882 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho khoảng 118.418 lượt người; tổ chức 567 cuộc tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm ở trong huyện cho 6.174 lượt người có uy tín, tổ chức 473 cuộc tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm trong tỉnh cho 19.013 lượt Người có uy tín; thăm ngoài tỉnh 962 cuộc cho 24.303 lượt người…
Tại buổi gặp mặt đại biểu tiêu biểu, Người có uy tín trong đồng bào DTTS các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957 - 16/6/2022) được tổ chức ngày 14/6/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến đội ngũ Người có uy tín; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể các cấp cũng đã kế thừa, quan tâm, chăm lo thực hiện tốt các chính sách cho đồng bào DTTS, phát huy mạnh mẽ vai trò của Người có uy tín trong việc củng cố lòng tin của đồng bào DTTS đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn, đồng bào DTTS, đội ngũ Người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong mọi lĩnh vực; tiếp tục là cầu nối tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, đoàn kết, tham gia có hiệu quả vào quá trình triển khai chính sách dân tộc trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào DTTS, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đội ngũ Người có uy tín, thế trận lòng dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được củng cố vững chắc khi tình quân dân ngày càng bền chặt. Bên cạnh phối hợp chặt chẽ với Nhân dân trong bảo vệ quốc phòng, an ninh thì lực lượng vũ trang đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Lực lượng quân đội, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, đã thực hiện “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững; lực lượng công an xây dựng mô hình tổ chức quần chúng tham gia phòng chống các loại tội phạm… từ đó góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; tạo điều kiện ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân và củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2011 – 2021, do vẫn còn những nhu câu cấp bách cần giải quyết nên tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Điều này đòi hỏi phải nhận diện những vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Trong 10 năm thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP, Đại hội đại các DTTS Việt Nam là sự kiện tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc. Trải qua 2 kỳ Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện (năm 2014 và 2019) và 2 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS (năm 2010 và năm 2020), sự kiện trở thành động lực mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn, động viên đồng bào DTTS trên mọi miền đất nước khắc phục khó khăn, vượt qua chính mình, ra sức thi đua lập thành tích xuất sắc hơn nữa, cùng đóng góp công sức, trí tuệ để củng cố, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.