Năm 2015, nhận thấy các hộ trong thôn làm du lịch cộng đồng hiệu quả, anh Lý Tà Dồn, dân tộc Dao ở thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) đã quyết tâm chuyển đổi mô hình chăn nuôi sang xây dựng homestay để phát triển du lịch cộng đồng.
Với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, anh Dồn đã được tiếp cận các nguồn vốn vay dành cho đồng bào DTTS của Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn phi chính phủ để đầu tư kinh doanh du lịch cộng đồng. Anh Dồn cải tạo lại vườn rau của gia đình, trồng các loại rau theo mùa để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên của người dân địa phương.
Thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi năm, gia đình anh Lý Tà Dồn đón khoảng 1.300 lượt khách, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Dồn chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất vất vả, mặc dù làm lụng quanh năm nhưng vẫn nghèo đói. Từ khi được các cấp, các ngành hỗ trợ, hướng dẫn cách làm homestay, đến nay, đời sống của gia đình tôi đã khá giả hơn trước. Tôi có điều kiện để chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ”.
Còn tại thôn Nậm Lương, gia đình chị Chảo Thị Liên là một trong 186 hộ dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Chị Liên dùng số tiền này để đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau, tham gia mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Quyết Tiến. Chị được tập huấn kiến thức khuyến nông và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ 2020 đến nay, vườn rau của gia đình chị cho thu nhập gần 7 triệu đồng/vụ. Mỗi năm từ thu hoạch 5-6 vụ rau, cộng với nguồn thu từ trồng cây hoa màu, phát triển chăn nuôi đã giúp gia đình chị Liên vươn lên thoát nghèo. Chị Chảo Thị Liên chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ gia đình tiền vốn để đầu tư làm nhà lưới trồng rau, nhờ đó gia đình sản xuất rau được nhiều vụ, không sợ bị ảnh hưởng của thời tiết, côn trùng phá hoại hoa màu. Hàng ngày nhà tôi đều có rau mang đi bán, đem lại thu nhập cho gia đình”.
Những năm qua, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Quản Bạ đều nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh như: Chương trình 135 giai đoạn 2; Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ... Ông Viên Quang Chương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quản Bạ cho biết: “Từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa... Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất... Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế, chuyển giao KHKT, giúp người dân chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa. Qua đó, diện mạo nông thôn vùng DTTS thực sự khởi sắc, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện được nâng lên đáng kể”.
Quản Bạ có 17 dân tộc sinh sống, trong đó có 94% là đồng bào DTTS. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các chính sách dân tộc, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 45 triệu đồng/người; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn vùng DTTS.