Bài toán kết nối chính sách
Tính đến thời điểm năm 2010, hệ thống CSDT cơ bản đã bao phủ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, một điểm dễ nhận thấy là hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi còn chồng chéo về nội dung, địa bàn đầu tư và đối tượng thụ hưởng.
Giai đoạn 2006 – 2010, chỉ riêng nội dung hỗ trợ đất sản xuất đã có nhiều chương trình, dự án khác nhau cùng thực hiện mục tiêu này. Đó là Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn (từ năm 2009 tiếp tục thực hiện tại Quyết định 1592/QĐ-TTg); Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào DTTS nghèo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long…
Hay với việc hỗ trợ nhà ở, thì nội dung này được quy định ở nhiều chương trình, dự án. Đó là Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg,… Ngay cả trong Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 cũng thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở.
Vì “rải mành mành” nên các chương trình, dự án đều không bảo đảm được nhu cầu vốn thực hiện. Đơn cử, Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2008 – 2010 là trên 1.629 tỷ đồng, nhưng năm 2009 - 2010 Chính phủ mới bố trí 400 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp và 500 tỷ đồng cho đồng bào vay. Còn việc hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình, dự án trong giai đoạn này hầu hết đều “hụt hơi”.
Duy nhất việc hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 là vượt kế hoạch. Theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ, hết năm 2008, Chương trình đã hỗ trợ 373.400 nhà ở cho hộ nghèo DTTS, đạt 111% kế hoạch. Tuy nhiên, mục tiêu chính của chương trình này là hỗ trợ đất ở, đất sản xuất lại không đạt; trong đó hỗ trợ 1.552 ha đất ở cho 71.713 hộ (đạt 82% kế hoạch), hỗ trợ 27.763 ha đất sản xuất cho 83.563 hộ (đạt 48% kế hoạch)…
Đặc biệt, điểm lại giai đoạn 2006 – 2010 để thấy, một hạn chế trong hệ thống CSDT là, dù có nhiều chính sách, nhưng giữa các chính sách lại thiếu tính kết nối, tương tác với nhau, dẫn đến chính sách giảm hiệu quả trong quá trình thực hiện. Đơn cử, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất được thực thi tại nhiều chương trình, dự án (gồm: hỗ trợ vốn, giống cây con, hỗ trợ đất sản xuất…), nhưng lại không có chính sách hỗ trợ đồng bào tiêu thụ sản phẩm họ tạo ra. Hạn chế này dẫn tới tình trạng đồng bào DTTS sản xuất ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được, đời sống vẫn cứ luẩn quẩn với đói nghèo.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, chính sách cử tuyển đã được triển khai nhiều năm, nhưng lại không có chính sách bố trí việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, nhiều con em đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển, khi về địa phương lại không tìm được việc làm.
Hay đối với chính sách hỗ trợ đất sản xuất lại thực hiện một cách cơ học (quy định mức diện tích đất cấp), nhưng lại không quy định chất lượng đất cấp. Điều này dẫn tới thực trạng, có địa phương lấy rừng nghèo, đất trống đồi trọc để cấp, đất không có nước tưới, xa kết cấu hạ tầng giao thông nên có đồng bào không nhận đất hoặc nhận đất nhưng không sản xuất…
Bước ngoặt trong lĩnh vực công tác dân tộc
Sự rời rạc, thiếu kết nối trong hệ thống CSDT, một phần chính là do, chính sách được từng bộ, ngành khác nhau xây dựng và quản lý. Trong bối cảnh đó, Nghị định 05/2011/NĐ-CP được ban hành ngày 14/1/2011 là tất yếu lịch sử để định hướng tổ chức thực hiện hệ thống CSDT một cách thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; trước hết là trong lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT.
Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, sau khi có Nghị định, công tác quản lý Nhà nước về CTDT, thực hiện CSDT được thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, giai đoạn 2011 – 2021, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành đã ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 445 văn bản liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện 13 nhóm chính sách quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP. Trong 10 năm qua, các địa phương cũng đã ban hành khoảng 777 văn bản liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện các nhóm chính sách quy định tại Nghị định.
Công tác chỉ đạo, điều hành được tập trung, thống nhất đã huy động được nguồn lực to lớn để thực hiện CSDT. Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/06/2022 của Ủy ban Dân tộc, trong 10 năm (2011 – 2021), ngân sách Nhà nước đã bố trí 246.654,5 tỷ đồng để thực hiện các chính sách. Ngoài ra còn có 68.736 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ; nguồn vốn ODA khoảng 2,6 tỷ USD, nguồn vốn hỗ trợ phi Chính phủ (NGO) khoảng 5,5 triệu USD…
“Tuy chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng so với các giai đoạn trước, ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tăng lên”, Báo cáo số 855/BC-UBDT thông tin.
Vai trò của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP được thể hiện rõ nét ở việc từng bước tạo tiền đề để kết nối hệ thống CSDT, gia tăng hiệu quả của chính sách trong quá trình thực thi. Triển khai thực hiện Nghị định, bên cạnh các chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế,… thì các bộ ngành đã xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư,… ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đáng chú ý trong đó là Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020; Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình xúc tiến thương mại (theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2019/QĐ-TTg); Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chính sách phát triển hạ tầng thương mại; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020…
“Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử - là văn bản quy phạm pháp luật định hướng tổ chức thực hiện hệ thống CSDT thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tế”, Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 3/06/2022 của Ủy ban Dân tộc khẳng định.
Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP đã tạo sự đồng thuận của các ngành, các cấp và đồng bào DTTS đối với lĩnh vực CTDT, thực hiện hiệu quả CSDT. Việc thực hiện hiệu quả CSDT, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời là nền tảng để thực hiện tích hợp chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triền vùng với tầm nhìn đến năm 2045.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Nghị định số 05/2011/NĐ-CP quy định 13 nhóm chính sách, bao phủ toàn diện các lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; gồm: Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn; Chính sách đầu tư phát triển bền vững; Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo;) Chính sách cán bộ người DTTS; Chính sách đối với Người có uy tín ở vùng DTTS; Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng DTTS; Chính sách phát triển du lịch vùng DTTS; Chính sách y tế, dân số; Chính sách thông tin - truyền thông; Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái; Chính sách quốc phòng, an ninh.