Với vai trò, uy tín của mình, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở những huyện miền núi biên giới của tỉnh Thanh Hóa còn được chính quyền, các lực lượng, người dân ví như những “cột mốc sống”, góp phần giữ gìn sự bình yên trên vùng phên giậu của Tổ quốc.
Chăm chút cột mốc như ngôi nhà của mình
Trong suốt hơn 23 năm qua, đôi chân của già làng Vi Văn Hợi, người dân tộc Thái, bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), đã mòn gót trên những đường biên giới Việt - Lào, già thuộc lòng những cột mốc H5, H6, H7 (nay là các cột mốc 331, 332, 333) chủ quyền của đất nước.
Bản Cha Khót có gần 8 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Nhà của già Hợi cách đường biên giới khoảng 2 km. Trong trí nhớ của già Hợi, từ thuở nhỏ già thường theo cha mẹ lên nương, làm rẫy. Mỗi lần như thế, già lại được cha mẹ chỉ về cột mốc H6 và đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay. Theo thời gian, già nhận thức được rằng, đường biên, cột mốc quốc gia khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước mà mỗi người dân cần có trách nhiệm bảo vệ.
Năm 1999, già Hợi đã tình nguyện đề xuất nguyện vọng với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và chính quyền địa phương, được tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã giao nhiệm vụ cho già bảo vệ đường biên và các cột mốc H5, H6, H7.
Tuyến biên giới thuộc bản Cha Khót có địa bàn khá rộng, dân cư thưa thớt, việc đi lại khó khăn, nhưng được tham gia góp sức vào một công việc có ý nghĩa với đất nước, già không quản ngại khó khăn. Mỗi ngày, già đều đặn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra quanh đường biên, cột mốc như một người lính biên phòng thực thụ.
Suốt 23 năm qua, già Hợi vẫn cần mẫn cứ chăm chút cho các cột mốc biên giới, như chăm chút cho chính ngôi nhà của mình. Lúc thì phát quang cỏ dại, lúc lại bê từng tảng đá chắn đất quanh chân đế cột mốc để chống bị sạt lở.
“Mỗi khi đi vào rừng, trước tiên là tôi đến thăm, phát dọn xung quanh và lấy nước suối tắm rửa cho “đồng chí cột mốc”. Xong công việc trở về nhà, tôi đến báo cáo tình hình với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo”, già Hợi kể.
Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam - Lào, già Hợi đã tích cực vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong bản Cha Khót chung tay giúp cán bộ, chiến sĩ biên phòng thực hiện cắm mốc giới, vận chuyển vật liệu, làm đường để bảo vệ cột mốc.
Đồng thời, già Hợi còn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, có khi lên tận nương rẫy để tuyên truyền cho bà con trong bản nắm vững vị trí, lịch sử, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc trong phạm vi mình tự quản.
Già thường ví von: “Bảo vệ đường biên, cột mốc cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình mình vậy!”. Giờ đây, ở tuổi cao, đôi chân già vẫn nhanh nhẹn, tinh thần luôn vui vẻ làm công việc với niềm tự hào, phấn chấn. “Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ cột mốc cho đến khi nào đôi mắt này không nhìn được nữa, đôi chân này không đi được nữa”, già Hợi nói.
Một lòng vì chủ quyền đất nước
Rời Quan Sơn, chúng tôi ngược ngàn đến huyện vùng biên Mường Lát. Gặp già làng Lương Văn Quý, người dân tộc Thái, ở bản Táo, xã Trung Lý, người có hơn 20 năm tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Câu chuyện của già Quý cũng cho thấy được tấm lòng của một người dân bình dị, nhưng có một tình yêu nước son sắc.
Dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần, già Quý lại đi trên cung đường rừng hơn 10km để kiểm tra đường biên, cột mốc... Ngoài việc phát quang cây cỏ xung quanh cột mốc, già Quý đã kiểm tra tỉ mỉ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu khác thường ở đường biên, cột mốc báo cáo ngay cho Đồn Biên phòng Trung Lý.
Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, già làng Lương Văn Quý còn là tuyên truyền viên, tích cực đến từng hộ gia đình trong bản Táo về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, dũng cảm đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, vượt biên trái phép, đốt nương, làm rẫy.
Tỉnh Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), 92 mốc quốc giới/88 vị trí, 13 cọc dấu biên giới. Hiện nay 16/16 xã biên giới của tỉnh đã có 151 già làng, trưởng bản, Người có uy tín tự nguyện đăng ký bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa tự hào nói, các già làng, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đang giữ vai trò quan trọng trong việc vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân nơi vùng biên. Hiện nay, có nhiều già làng, Người có uy tín tuổi cao, sức đã yếu, nhưng vẫn luôn tâm huyết, tận tình với công việc, họ luôn được bà con tin yêu, quý trọng; trở thành tấm gương sáng, chỗ dựa vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no và chung tay bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.