Tham gia đẩy lùi tệ nạn
Bằng trách nhiệm với cộng đồng, Người có uy tín trên cả nước nói chung, địa bàn Tây Nguyên nói riêng, đã tham gia tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở thuyết phục những người lầm đường, lạc lối về với buôn làng sinh sống ổn định, góp công lớn trong việc phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn, nguy cơ bất ổn do phần tử xấu gây ra, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, bình yên cho buôn làng.
Đọc báo, nghe đài thấy tình trạng đồng bào DTTS bị lừa sang Campuchia làm việc, diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước những ngày qua, khiến ông Y Krú Ayun buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk lo lắng. Bởi nơi ông sinh sống, đã từng có thời gian tình trạng vượt biên trái pháp luật xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của bà con buôn làng. Vì thế, suốt nửa tháng qua ông đến từng nhà người dân “thăm dò”; Đồng thời, tuyên truyền bà con trong buôn cảnh giác, tìm hiểu đúng bản chất, thủ đoạn của những đối tượng môi giới lừa đồng bào sang Campuchia lao động để tránh.
Nhớ lại những sự việc của gần 15 năm trước, ông Y Krú kể: Có thời điểm, tình trạng người dân vượt biên diễn ra thường xuyên, khiến lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phải đau đầu. Mỗi khi các cấp, các ngành và địa phương tổ chức họp buôn, ông đều có mặt đầy đủ để tuyên truyền, vận động. Nhờ am hiểu tập quán, nắm rõ tâm lý của đồng bào và sự kiên trì, khéo léo trong công tác dân vận, ông đã hỗ trợ cơ quan chức năng kêu gọi được nhiều người lạc lối trở lại về hương.
Ngoài việc cùng lực lượng chức năng đến từng nhà người thân của các đối tượng để khuyên nhủ, tìm cách liên hệ trực tiếp với các đối tượng vượt biên để vận động họ về nước, không ít lần ông còn cùng với cán bộ của Bộ tư lệnh Quân khu 5 sang tận nước bạn Lào, Campuchia để gặp, vận động đồng bào trở về.
Như trường hợp của ông Y Bhi Niê, buôn Drao. Nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, ông Y Bhi giao lại nương rẫy, nhà cửa cho con gái lớn trông coi rồi đưa vợ, 3 người con nhỏ và 2 người em vợ vượt biên trái phép sang Campuchia.
Nắm rõ tình hình, trong một lần ông Y Bhi gọi điện thoại về cho con gái lớn, ông Y Krú nắm bắt cơ hội nghe điện thoạt, trực tiếp nói chuyện với ông Y Bhi, phân tích, vận động ông Y Bhi trở về.
"Được ông Y Krú phân tích, tôi hiểu mình đã làm điều sai trái nên đầu năm 2019, tôi đưa vợ con trở về quê hương. Sau đó, nhiều gia đình khác trong buôn bỏ nhà đi theo kẻ xấu cũng được ông vận động trở về", ông Y Bhi kể lại.
Cũng từ đợt đó, bà con trong buôn không còn vượt biên trái phép nữa, buôn làng trở lại bình yên, tình hình an ninh trật tự ổn định đến nay. Bà con chí thú làm ăn, buôn làng ngày càng khang trang, giàu đẹp, đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tương tự, xã H’ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai từng là điểm nóng về trật tự khi tà đạo hà mòn xâm nhập. Nghe theo tà đạo hà mòn, người dân bỏ bê nương rẫy, trốn vào rừng sinh hoạt đạo trái pháp luật, chống lại chính quyền gây mất an ninh trật tự. Cuộc sống của nhiều gia đình cũng vì thế bị đảo lộn, vợ chồng ly tán, con cái không được đến trường. Có những thôn làng tà đạo quét qua trở nên hoang tàn, sơ xác.
Với vai trò là Người có uy tín, ông Y Thành, dân tộc Ba Na ở thôn Kdung 2, xã H’ra cùng chính quyền tuyên truyền, vận động Nhân dân nhận diện đúng bản chất của tà đạo. Ông không chỉ phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng, tham gia hàng chục cuộc họp, trực tiếp nói chuyện với người dân, mà còn đến từng gia đình có người theo đạo hà mòn để gặp gỡ, khuyên răn bà con “hợp tác” với chính quyền, nhờ họ dẫn đường vào rừng tìm cách thuyết phục những người lầm lỡ về sum họp với gia đình.
“Nghe mình phân tích hợp tình, hợp lý nhiều người từ bỏ tà đạo, trở về làng sinh hoạt tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục”, ông Y Thành cho biết.
Giữ buôn làng bình yên
Trước thực trạng đồng bào DTTS bị dụ dỗ đi lao động Campuchia, rồi bị tống tiền, bị bóc lột sức lao động đã diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua, lực lượng Người có uy tín tiếp tục thể hiện vai trò trách nhiệm, đóng góp không nhỏ trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS đề cao cảnh giác.
Ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai chia sẻ: Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào vùng DTTS được các địa phương triển khai đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Để phát huy hiệu quả tuyên truyền trong đồng bào DTTS, ngành công tác dân tộc tranh thủ tối đa tầm ảnh hưởng của lực lượng Người có uy tín, già làng, trưởng thôn.
Trong đảm bảo an ninh trật tự, Người có uy tín giải quyết các mối quan hệ trong gia đình, thôn, buôn thấu tình đạt lý. Họ nói cho người dân nghe, giải thích cho người dân hiểu, gương mẫu thực hiện để người dân tin tưởng và làm theo, đặc biệt là trong phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân vùng sâu, vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên rõ rệt.”
Ông Lê Ngọc VinhPhó trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk
“Phải khẳng định rằng, Người có uy tín đã phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Đặc biệt là trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở”, ông Tuyến nói.
Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 967 Người có uy tín trong đồng bào DTTS được UBND tỉnh công nhận. Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk đánh giá: tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đội ngũ Người uy tín luôn đi đầu trong các phong trào đảm bảo an ninh trật tự, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, ngành, địa phương phát động.
Thực tế cho thấy, Người có uy tín trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Tây Nguyên nói riêng không những tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn góp công lớn vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS; là cầu nối tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.