Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
Mỗi dân tộc thiểu số đều có bản sắc văn hóa riêng. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới không chỉ là công việc của hệ thống chính trị, mà còn là sự tham gia của cộng đồng, bởi họ chính là chủ thể, là những người “nặng lòng” với văn hóa dân tộc, lại am hiểu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng. Vì vậy, Người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình nhất là cho thế hệ trẻ.
Tiêu biểu như tấm gương ông Pờ Dần Xinh, dân tộc Hà Nhì, nghệ nhân ưu tú, Người có uy tín bản Tả Khố Chừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là người có nhiều công lao trong vận động đồng bào bào giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Lo lắng bản sắc văn hoá truyền thống bị mai một, ông Xinh đã cùng với các già làng tìm gặp các nghệ nhân, cùng với họ khôi phục một số loại hình văn hóa của dân tộc Hà Nhì như những điệu múa xòe truyền thống, đan lát, lễ cúng bản của người Hà Nhì…
Dân tộc Hà Nhì có tiếng nói riêng, nhưng không có chữ viết nên để lưu truyền văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ, ông đã sưu tầm những câu chuyện kể truyền miệng của người Hà Nhì, những phong tục tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý Hà Nhì cổ... đều được ông ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ nhỏ để lưu giữ lại cho thế hệ con cháu.
“Từng là cán bộ, lại am hiểu văn hoá dân gian cho nên khi nghỉ hưu tôi dành nhiều thời gian sưu tầm những câu hát, điệu múa cổ, phong tục tập quán để ghi lại và trao truyền cho thế hệ trẻ. Tôi luôn động viên lớp trẻ bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình” ông Xinh cho biết.
Nhận xét về ông Pờ Dần Xinh, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ cho biết: Ông Xinh là Người có uy tín trong cộng đồng; giúp địa phương xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Ông là một minh chứng sống động cho vai trò, ý nghĩa lớn lao của già làng, trưởng bản, nghệ nhân, Người có uy tín trong phong trào xây dựng nếp sống mới; đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng.
Còn đối với Người có uy tín Hồ Xây được người dân ở bản Rôông, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình gọi là “nghệ nhân” của bản. Cách gọi đầy quý trọng ấy xuất phát từ việc ông luôn nhiệt huyết, đam mê bảo tồn, trao truyền nghề đan lát và các giá trị văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Đối với đồng bào người Khùa, nghề đan lát không đơn thuần là nghề thủ công truyền thống mà còn ẩn chứa một kho tàng văn hóa độc đáo. Các sản phẩm đan lát không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn là những lễ vật không thể thiếu trong các dịp quan trọng như cúng tế, đám cưới…
Tiên phong xây dựng nếp sống mới
Với vai trò của mình, Người có uy tín đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống đã được Người có uy tín lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, điển hình như hát Then của dân tộc Tày, hát Song hao của dân tộc Nùng, hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan, dân ca Soọng cô của dân tộc Sán Dìu… Qua đó, nhiều địa phương thực hiện hiệu quả các đề án, dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Lưu Xuân ThuỷVụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Uỷ ban Dân tộc
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới có 19 dân tộc, trong đó có hơn 87% số dân là đồng bào DTTS. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, tập quán riêng, trình độ nhận thức chưa đồng đều nên đời sống bà con vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã phát huy vai trò đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống mới, bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp tại thôn, bản và khu dân cư như: không thách cưới cao, không đòi nhiều sính lễ, đám ma không tổ chức quá 2 ngày, không phá rừng làm rẫy; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Với phương châm mưa dầm thấm lâu, tận dụng đội ngũ các già làng, trưởng dòng họ, Người có uy tín để tuyên truyền, vận động và ký cam kết xóa bỏ tập quán lạc hậu, nhiều thôn bản, khu dân cư đã xây dựng được nếp sống văn minh.
Minh chứng như tấm gương của ông Đặng Văn Háu, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Bí thư kiêm trưởng thôn và Người có uy tín luôn đi đầu và vận động bà con trong thôn bài trừ hủ tục lạc hậu trong việc tang ma, cưới xin, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá.
Ông Đặng Văn Háu cho biết: Trước đây cưới xin, ma chay, người dân rất rườm rà, các nghi lễ kéo dài 3-4 ngày gây tốn kém. Sau khi tuyên truyền vận động bà con đã hiểu và xoá bỏ các hủ tục lạc hậu chấp hành các quy định của Nhà nước thực hiện nếp sống mới.
Từ thực tế, ông Xinh, ông Xây hay ông Háu chỉ là ba trong những tấm gương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Họ không chỉ là nhịp cầu nối quan trọng gắn kết ý Đảng và lòng dân, mà còn còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đánh giá về vai trò của đội ngũ Người có uy tín, nghệ nhân, già làng, trưởng bản, tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người DTTS tiêu biểu nhân ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam 19/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các già làng, trưởng bản, Người có uy tín, nghệ nhân đã đóng góp quan trọng, thể hiện rõ nét qua việc vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…