Theo bà Lê Thị Tiến, nghệ nhân dệt thổ cẩm ở bản Chiềng Khạt, để có được những tấm thổ cẩm ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng chi tiết. Trước kia, để có sợi thì phải trồng bông, nuôi tằm lấy kén rồi mới kéo ra sợi, sau đó sợi được đưa vào khung vuông rồi chạy quanh 8-10 ống chỉ để se...
Ngày nay, xã hội phát triển, người dân chỉ cần đặt mua sợi ở các đại lý rồi đem về se và tiến hành những công đoạn dệt nên tiện lợi hơn rất nhiều. Theo đó, sự sáng tạo cùng những đôi bàn tay khéo léo đã bắt kịp nhu cầu thị trường, bà con dùng máy may để tạo ra túi xách, bao đựng điện thoại, những chiếc khăn choàng với họa tiết, hoa văn bắt mắt...
Theo chị Lê Thị Vân Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Lương, thực hiện đề án gìn giữ và phát triển nghề dệt của địa phương, những năm qua, xã luôn phấn đấu lưu giữ và thường xuyên mở các đợt tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Ngoài việc khôi phục lại nghề, trong tương lai, dệt thổ cẩm sẽ trở thành một trong những nghề phát triển đi kèm du lịch tại địa phương, đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào DTTS.