Cùng học tiếng dân tộc
Trước thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác địa bàn ở các Đồn Biên phòng thường xuyên tiếp xúc, thực hiện “3 bám”, “4 cùng” với bà con khu vực biên giới, nhiều chiến sỹ biên phòng quê ở các tỉnh miền xuôi lên Cao Bằng công tác chưa am hiểu phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào địa phương. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng đã luôn quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn tiếng dân tộc và kiến thức dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết, giúp các đơn vị triển khai công tác dân vận đạt kết quả tốt.
Thượng tá Lương Tuấn Long, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh; Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho các đồng chí là cán bộ các tổ, đội công tác, cán bộ tăng cường xã, thị trấn biên giới thuộc các Đồn Biên phòng. Sau khi kết thúc khóa học, với tinh thần trách nhiệm cao của các giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm và toàn thể học viên, các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc đã hoàn thành tốt các chuyên đề, đáp ứng mục đích, yêu cầu kế hoạch đề ra. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các học viên luôn chấp hành tốt nội quy lớp học, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu, tiếp thu những nội dung giảng viên truyền đạt. Qua kiểm tra, cơ bản 100% học viên đạt yêu cầu nghe, hiểu và nói được tiếng dân tộc Tày, trong đó có 80% đạt khá, giỏi.
Cùng với đó, xác định công tác vận động quần chúng là nghiệp vụ cơ bản, quan trọng làm cơ sở, nền tảng cho thực hiện các biện pháp công tác khác, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong BĐBP tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị phù hợp, hiệu quả.
Với tinh thần “tự giác, tự học, tự rèn”, không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội là người dân tộc trong đơn vị, thông qua thực tiễn công tác khi tiếp xúc với nhân dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã có thể nghe, hiểu, nói, viết thành thạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong cuộc sống hằng ngày. Qua đó, hiểu rõ hơn tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, huy động quần chúng nhân dân khu vực biên giới tích cực tham gia cùng với lực lượng BĐBP xây dựng và quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Năm 2023 Đồn Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã mở 4 lớp học tiếng dân tộc Mông tại một số đơn vị “trọng yếu” với 67 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Lớp học tại các đơn vị chủ yếu diễn ra vào buổi tối, ngày nghỉ; thời gian học từ 3 - 4 tháng, ngoài giáo viên là cán bộ biên phòng người dân tộc Mông kiêm nhiệm, ban tổ chức lớp học còn mời thêm người dân địa phương am hiểu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của người Mông cùng phối hợp lên lớp trao đổi, giảng dạy về ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông.
Thông qua các lớp học tiếng dân tộc, đã góp phần nâng cao khả năng nghe, nói, giao tiếp cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Từ đó, vận dụng vào công tác tuyên truyền, vận động, nắm được phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc.
Chung tay thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: BĐBP tỉnh Cao Bằng ngoài thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới quốc gia đã chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2023. Theo đó, BĐBP tỉnh Cao Bằng đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo; củng cố, kiện toàn các ngành, đoàn thể xã, xóm; duy trì giao ban quy chế phối hợp giữa cấp ủy đồn Biên phòng với Đảng ủy các xã, thị trấn biên giới; chỉ đạo các đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ, đảng viên xuống bám nắm địa bàn, thực hiện “3 bám”, “4 cùng” với bà con khu vực biên giới.
Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 3 “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, hiện nay BĐBP tỉnh đang duy trì hỗ trợ 250 em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình neo đơn, mồ côi bố mẹ, là con của người có uy tín, con của người có công với BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới... để hỗ trợ, nâng bước. Tính đến thời điểm hiện tại, BĐBP tỉnh đã trao tặng số tiền 1,1 tỷ đồng năm học 2022; hiện nay đang triển khai hỗ trợ 1,85 tỷ đồng cho 250 em học sinh năm học 2023.
Trong năm 2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn tham mưu, tổ chức thực hiện tốt “Ngày hội Biên phòng toàn dân” tại 36 xã, 3 thị trấn biên giới còn lại, với sự tham gia của trên 1.300 người, như: Đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng các xóm sát biên giới, quần chúng tiêu biểu các xã, thị trấn biên giới. Tại ngày hội, các đơn vị đã tặng 66 suất quà, trị giá 55,5 triệu đồng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ninh biên giới quốc gia; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tặng quà 76 suất quà cho các bí thư chi bộ, trưởng xóm, cơ sở cốt cán, quần chúng ưu tú, với số tiền 36,4 triệu đồng.
Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, cán bộ, các chiến sĩ BĐBP phải thường xuyên tiếp xúc với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ của mình các chiến sĩ BĐBP đã nỗ lực học tiếng dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần giúp các chiến sĩ biên phòng có thêm cơ hội hiểu được chữ viết, tiếng nói, nắm bắt tâm tư của đồng bào, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với quần chúng nhân dân, giúp bà con tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời việc học tiếng dân tộc thiểu số còn giúp cán bộ, chiến sỹ BĐBP tham mưu hiệu quả hơn cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng biên giới hòa bình và phát triển./.