Cụ thể, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt đủ 18 tuổi trở lên (tính đến ngày dự sát hạch), có nhu cầu học, sát hạch lấy Giấy phép lái xe mô tô hai bánh hạng A1.
Đặc biệt lớp học cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt phải được biên soạn và có giáo án riêng. Phương pháp đào tạo chủ yếu bằng hình ảnh minh họa và hỏi đáp. Sử dụng phương pháp giảng dạy trực quan, chủ yếu bằng hình ảnh, bằng động tác mẫu, bằng chỉ dẫn và hỏi đáp. Khi giảng dạy yêu cầu phải có đầy đủ hình ảnh mẫu về những vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Trong quá trình giảng dạy giáo viên cần phải có nhiều ví dụ cụ thể sinh động nhằm làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ. Dành thời gian để hướng dẫn nhắc nhở học viên về quy chế sát hạch, hình thức sát hạch và nội dung sát hạch.
Ngoài nội dung lý thuyết, cần nhấn mạnh thêm về tốc độ chạy xe trên đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không được sử dụng rượu, bia hoặc chất có cồn trước khi điều khiển phương tiện, đi đường đèo dốc, tránh vượt, chuyển hướng đúng quy tắc đường bộ, đi đúng làn đường, phần đường quy định.
Hướng dẫn cụ thể về cấu tạo xe, cách điều khiển xe trên đường đặc biệt là trên các đoạn đường đèo, dốc, đường dân sinh,... các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường. Tập trung giảng dạy kỹ năng lái xe trong hình thi liên hoàn và trực tiếp giáo viên phải làm mẫu. Thời gian đào tạo lý thuyết là 10 giờ và đào tạo thực hành là 2 giờ.
Quy định cũng nêu rõ, nếu thí sinh dự sát hạch không biết ký tên thì được điểm chỉ vào bài sát hạch lý thuyết, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch. Những thí sinh không nói, nghe được tiếng Việt phải có người phiên dịch. Người được giao nhiệm vụ phiên dịch phải dịch đúng, đủ câu hỏi của sát hạch viên và câu trả lời của thí sinh…/.