“Xẻ thịt" di tích
Đồi Cả thuộc quần thể di tích Khu căn cứ Núi Bà, được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 25/1/1994. Theo các tài liệu lịch sử, từ năm 1967, Đồi Cả, là chốt điểm quan trọng của địch, do một đơn vị thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên đóng giữ, nhằm chia cắt đường giao thông của ta từ căn cứ Núi Bà, qua các xã phía đông, và là điểm cao quan sát khống chế mặt biển.
Với vị trí chiến lược quan trọng, nơi đây thường xuyên diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Năm 1973, ta mở cuộc tấn công làm chủ chốt điểm, cắm cờ giữ đất giữ dân, xây dựng cơ sở vững chắc, bảo vệ an toàn cho Nhân dân đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Hiện nay, xung quanh Di tích lịch sử Đồi Cả đang bị “đất tặc” đào xới tan hoang.Theo quan sát của phóng viên, để có đường ra, các đối tượng “đất tặc” mở một con đường mòn, bên hông Trường THPT Ngô Lê Tân, ở thôn Chánh Hóa. Men theo con đường này, đi vào sâu bên trong, là nhiều con đường mòn khác rộng từ 3 - 5m, chạy ngoằn ngoèo dẫn vào các vị trí khai thác đất trái phép. Quan sát thấy, nhiều mô đất bị lấy sạch, để lại hiện trường là những hố sâu, cùng các tảng đá mà “đất tặc” để lại, trông rất mất mỹ quan.
Di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả, không chỉ chịu sự phá hoại của “đất tặc”, mà còn bị “đá tặc” ngang nhiên "xé thịt". Những tảng đá lớn hàng chục khối nằm trong di tích Đồi Cả, đã bị các đối tượng xẻ thành hàng trăm viên đá chẻ nằm ngổn ngang. Theo người dân sống gần khu vực, tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại Đồi Cả diễn ra từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, hàng chục xe ben, xe tải ồ ạt chở đất, đá từ khu Di tích Đồi Cả chạy ra, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào ngăn chặn. Chúng tôi nghi ngờ có sự “cho phép” của chính quyền nên mới ngang nhiên như vậy?.
Các cơ quan chức năng nói gì?
Ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành cho biết:Trước hoạt động khai thác đất, đá trái phép này, chính quyền xã cũng nhiều lần phát hiện, bắt giữ phương tiện khai thác, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 36/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản; mỗi trường hợp bị xử phạt từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng và tạm giữ phương tiện trong 7 ngày và có thể tăng lên số ngày nhiều hơn.
Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay: UBND huyện đã thành lập đoàn làm việc với chính quyền địa phương và đang làm báo cáo gửi các ngành chức năng xử lý. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo thành lập các tổ công tác, phân công luân phiên trực 24/24 để canh giữ, bắt giữ phương tiện khai thác trái phép. Tuy nhiên “đất tặc”, “đá tặc” hoạt động rất manh động, bởi vậy việc canh giữ là rất khó khăn.
Thực tế này cũng được ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định thông tin, tình trạng khai thác đất, đá tại Di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả diễn ra trong thời gian dài; nhưng ông Tĩnh cho rằng, sự việc mới chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường của di tích. Bởi di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả không có khoanh vùng khu vực bảo vệ 2, mà chỉ có khoanh vùng khu vực bảo vệ 1, bao gồm:chiều dài 80 m, chiều rộng 40 m, với tổng diện tích 3.200 m2.
Ông Bùi Tĩnh còn cho biết: Để tránh tình trạng di tích tiếp tục bị xâm hại, vừa rồi qua buổi làm việc, Bảo tàng tỉnh đã yêu cầu, chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Phù Cát cần có biện pháp ngăn chặn để bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả. Hiện nay, đơn vị cũng yêu cầu, Phòng Văn hóa Thông tin huyện khẩn trương làm báo cáo cụ thể, để nắm rõ thông tin về việc khai thác đất, đá trái phép tại di tích Đồi Cả.
Ở góc độ chuyên môn về di tích lịch sử, ông Đinh Bá Hòa, hội viên Hội Khảo cổ Việt Nam nhìn nhận, việc quản lý, bảo vệ di tích rất “nhạy cảm”. Mặc dù không khoanh vùng bảo vệ khu vực 2, nhưng chúng ta phải hiểu, toàn bộ diện tích Đồi Cả chính là di tích và cần được bảo vệ. Việc chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng khai thác đất, đá trái phép như thế mà không có biện pháp ngăn chặn, là không thể chấp nhận được.
Cũng theo ông Hòa, quản lý di tích có 3 cấp, nhưng quản lý chính vẫn là cơ quan bảo vệ di tích cấp tỉnh. Với trường hợp Di tích lịch sử quốc gia Đồi Cả bị xâm hại, thì Bảo tàng Bình Định phải làm công văn tham mưu cho Sở Văn hóa Thể thao, trình UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo UBND huyện Phù Cát có biện pháp khắc phục để giữ cảnh quan môi trường tại di tích; làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại Di tích lịch sử quốc Đồi Cả.