Lý do công ty đưa ra là thời gian gần đây doanh thu giảm, không có khả năng trả lương. Chị đã nghỉ việc 1 tuần và rất bức xúc và lo lắng vì mất việc lúc này sẽ rất khó tìm công việc mới, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình.
Trong trường hợp này, luật sư tư vấn theo Khoản 3, Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Thế nên, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với trường hợp chị Lan là trái với quy định của pháp luật. Với hành vi này, theo Điều 42 Bộ luật Lao động, công ty phải nhận chị trở lại làm việc; phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày chị không được làm việc, cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, chị Lan cần làm đơn phản ánh trường hợp của mình đến Hòa giải viên lao động của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nơi công ty đóng trụ sở.
Trường hợp hòa giải không thành, chị có thể khởi kiện công ty ra tòa án nơi công ty đóng trụ sở theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 để bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình.