Liên kết để sản xuất hiệu quả
HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (HTX Thới Thạnh), xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú hiện có 121 thành viên, được thành lập năm 2017, thực hiện được 4 dịch vụ, ngành nghề: Hướng dẫn sản xuất dừa theo hướng sạch, hữu cơ, an toàn; giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm sơ chế cơm dừa; cung ứng lao động ngành dừa và cung ứng thức ăn chăn nuôi, phân, thuốc bảo vệ thực vật.
Từ năm 2018, HTX Thới Thạnh đã liên kết, phối hợp với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới vận động người dân và thành viên HTX tham gia canh tác dừa theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã có 83 hộ tham gia với tổng diện tích 115ha, sản lượng bình quân 120 ngàn trái/tháng. Các hộ canh tác dừa hữu cơ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với giá cao hơn thị trường từ 5 - 20%. Ngoài ra, còn được bao tiêu với giá sàn 50 ngàn đồng/12 trái, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân và thành viên HTX với mức bình quân khoảng 25 triệu đồng/ha/năm.
Những năm gần đây, HTX phối hợp với các đơn vị sản xuất dừa hữu cơ tại các xã trên địa bàn 2 huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam hợp đồng với Công ty phân bón Thanh Dương chuyên về phân gà hữu cơ vi sinh, đạt chuẩn sản xuất hữu cơ tiến hành đặt hàng với số lượng lớn để người nông dân hưởng được ưu đãi về giá, giảm chi phí vận chuyển.
“Năm 2019, tổng doanh thu của HTX hơn 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 15 triệu đồng; năm 2020, tổng doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 21 triệu đồng; năm 2021, tổng doanh thu 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng, trong đó, thành viên hưởng lợi trực tiếp từ liên kết tiêu thụ dừa trái khoảng 200 triệu đồng”, ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh chia sẻ.
Những năm gần đây, liên kết sản xuất, hỗ trợ người nông dân và các thành viên HTX trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản, đã được các HTX tại Bến Tre chọn là khâu đột phá trong phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Điển hình như, ở huyện Mỏ Cày Nam, HTX Nông nghiệp Định Thủy (HTX Định Thuỷ), đứng chân trên địa bàn xã Định Thủy đã nỗ lực thay đổi tư duy trong sản xuất, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường.
Ông Đặng Trúc Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Định Thủy cho biết: Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chính là chìa khóa để 137 thành viên HTX trở thành những “tỷ phú”. Hiện, HTX Định Thuỷ sở hữu 500ha dừa, trong đó có 144ha dừa hữu cơ sản xuất theo chuỗi giá trị có liên kết với doanh nghiệp. Bình quân mỗi tháng, doanh thu của HTX Định Thuỷ đạt 600 triệu đồng.
Trung bình mỗi ngày, HTX Định Thuỷ tiêu thụ khoảng 14 nghìn quả dừa, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động địa phương. Theo anh Trần Văn Luông, thành viên HTX Định Thuỷ: Nhờ HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hơn 1ha dừa của gia đình anh có đầu ra ổn định. Trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 1.200 quả, giá thu mua cao hơn thị trường từ 5 nghìn đến 12 nghìn đồng/12 quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Hướng đi đúng của các HTX
Với đặc thù của xứ dừa, nhiều HTX tham gia chuỗi giá trị dừa hữu cơ hiện đang tập trung sản xuất, kinh doanh và hoạt động tốt. Điển hình như HTX Thới Thạnh, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Châu Hòa, HTX Định Thủy, HTX Công Bằng… đã được Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre ký hợp đồng liên kết, canh tác theo mô hình vườn dừa hữu cơ (mỗi hợp tác xã đã xây dựng được từ 120 ha đến 160 ha vườn dừa hữu cơ).
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre: Qua khảo sát, thẩm định đánh giá trong những tháng gần đây của Tổ công tác tỉnh cho thấy, có 4 HTX có sự liên kết tốt, đã đang hoạt động hiệu quả; cơ bản đạt 10 tiêu chí theo quy định để được công nhận HTX điểm của tỉnh trong năm 2022, gồm: HTX Nông nghiệp bưởi da xanh Bến Tre, HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa, HTX Bò sữa Bến Tre, HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh.
Còn theo nhận định của ong Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre: Nông dân tỉnh Bến Tre có diện tích đất sản xuất rất nhỏ. Để phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi phải có sự liên kết để xây dựng một vùng sản xuất tập trung. Khi đó sẽ áp dụng quy trình canh tác phù hợp, đồng nhất để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Để làm được điều này, các hộ dân phải liên kết xây dựng thành các Tổ hợp tác, HTX để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Để đẩy mạnh kinh tế tập thể, kinh tế HTX từ các mô hình liên kết sản xuất, Tỉnh Bến Tre khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao tỷ trọng nông sản chế biến, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh tăng cường thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thông qua các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp phân phối...; tham gia các hội chợ, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Tỉnh tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản thông qua các hợp tác xã; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông thủy sản của tỉnh.