Khuyến khích người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất
Với 24 thành viên tham gia trồng 45ha bưởi da xanh từ đầu năm 2021, HTX Bưởi da xanh Đa Kia (HTX Đa Kia), xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập thu hơn 1.000 tấn quả. Trong năm nay, HTX dự kiến thu hoạch trên 1.200 tấn quả.
Ông Hồ Văn Bình, Chủ nhiệm HTX Đa Kia cho biết: Những năm trước đây, nhiều nông hộ canh tác theo kiểu tự do, nên chất lượng bưởi không đều, giá bán không cao. Cuối năm 2021, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, các thành viên HTX đã thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, những trái bưởi làm ra sạch, đẹp, ngon hơn.
Theo đó, HTX Đa Kia yêu cầu, các nông hộ phải liên kết lại để có diện tích lớn, sản lượng nhiều và đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng khi có các đơn đặt hàng lớn. Từ ngày thực hiện liên kết sản xuất và được cấp giấy chứng nhận VietGAP, bưởi của HTX dễ bán hơn rất nhiều và không lo tồn đọng.
Tại huyện Bù Đốp, với mong muốn tìm hướng đi riêng, năm 2017, ông Nguyễn Viết Vị quyết định dịch chuyển mô hình để khởi nghiệp, thành lập Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện (HTX Phước Thiện), chuyên trồng cây ăn quả. HTX do ông làm Giám đốc chú trọng khuyến khích người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất; hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra để nâng cao năng suất, giá trị nông sản, giúp người nông dân tăng thu nhập và tìm được tiếng nói chung.
Sau 5 năm, từ 10 thành viên ban đầu, HTX Phước Thiện hiện có 22 thành viên, canh tác trên 200ha mít đỏ, đã khẳng định được vai trò kết nối, dẫn dắt người dân tại địa phương tham gia mô hình liên kết, phát triển kinh tế theo luật HTX kiểu mới 2012. HTX đã thực hiện liên kết sản xuất, với hàng trăm hộ trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn quy trình canh tác VietGAP đảm bảo như các thành viên.
Đồng thời, HTX ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với các hệ thống siêu thị và cửa hàng trái cây cao cấp; thường xuyên tham gia các hội chợ kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài.
Ông Vị cho biết: Ngoài đảm bảo đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng thu mua mít trái non và mít trái già thương phẩm, HTX còn xây dựng vườn ươm giống, mỗi tháng cung cấp hàng chục ngàn cây giống chất lượng với giá 45 ngàn đồng/cây. Trong đó, HTX chỉ thu trước 65%, còn lại chờ thu hoạch mới thu hết. Với 1ha đất trồng khoảng 400 cây, cho thu nhập mỗi năm từ 500 - 800 triệu đồng. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, trên nguyên tắc mở rộng vùng nguyên liệu phải đảm bảo thị trường đầu ra bền vững ”.
Với phương châm xuyên suốt là liên kết sản xuất, sản phẩm sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất của HTX Phước Thiện được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh Bình Phước rất quan tâm và luôn đồng hành.
Tăng cường hỗ trợ các HTX quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
Thành lập cuối năm 2021, với 16 thành viên, HTX sản xuất thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước (HTX Bom Bo), là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Phước thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thương mại, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các HTX và nông dân. Hiện, HTX đang trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Bình Phước và các tỉnh để giới thiệu đến các doanh nghiệp tham quan và kết nối tiêu thụ.
Giám đốc HTX Bom Bo Nguyễn Duy Tân cho biết: “Chúng tôi sẽ đảm trách nhiệm vụ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản cho tất cả HTX sản xuất, bởi một HTX chuyên về sản xuất, thì không thể làm tốt khâu thương mại và chúng tôi sẽ thay họ làm điều đó. Các HTX chỉ tập trung làm tốt khâu sản xuất, còn thương mại để HTX Bom Bo lo”, ông Tân khẳng định.
Để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tháng 2/2022, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực đã từ Bắc Giang đến Bình Phước, gặp gỡ và trao đổi với các nông dân về hướng thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước với sứ mệnh liên kết, hỗ trợ các nông gia ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. “Những nông gia nào không thể tự đi một mình thì cần đi cùng nhau dưới mô hình liên kết chuỗi”, bà Thực nhận định.
Nhờ sự kết nối của địa phương, các nông dân tiên tiến đã làm việc với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân Thị xã Phước Long, ra mắt Ban Vận động thành lập HTX, với mục tiêu lớn nhất là tạo liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà kinh doanh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm cho nông sản Bình Phước. HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản.
Bà Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra cho mô hình kinh tế hợp tác, HTX là giải quyết đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch. Đây là thực tiễn đòi hỏi các HTX và các cơ quan có liên quan cùng chung tay góp sức.
Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh Bình Phước luôn chủ động trong xây dựng và triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chủ yếu tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX, liên hiệp HTX khu vực kinh tế tập thể. Thông qua các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản trị, điều hành HTX, đã giúp cán bộ HTX nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ và tuân thủ quy định pháp luật cũng như nâng cao hiểu biết của thành viên, người dân về mô hình HTX.
Đồng thời, Liên minh HTX quan tâm, hỗ trợ các HTX trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Phước, liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.