Xã Y Tý thuộc xã vùng III của huyện Bát Xát; toàn xã có 480/945 hộ nghèo, chiếm 50,79% (theo tiêu chí mới). Ông Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Những năm trước, bà con nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp với cây ngô, cây lúa, vất vả quanh năm nhưng cuộc sống cũng còn vô vàn khó khăn.
Thời gian gần đây, từ sự quan tâm đầu tư các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS khó khăn, việc sản xuất của bà con đã có những chuyển biến khá rõ nét. Nhiều giống cây con mới như dược liệu, hoàng sin cô, thảo quả…được đưa vào nuôi trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, những năm gần đây, xã Y Tý được nhiều du khách biết đến hơn, vì tiềm năng du lịch được ví như là Sa Pa thứ hai; nhờ đó, lượng khách du lịch đến với Y Tý nhiều hơn. Nhiều mô hình Homestay được người dân xây dựng, phục vụ nhu cầu khách du lịch mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc.
Tuy nhiên, về tổng thể thì Y Tý vẫn còn rất nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân chủ yếu, đó là cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông còn thiếu và yếu, khiến cho việc giao thương hàng hóa không được thuận lợi. Với việc triển khai Đề án tổng thể, xã Y Tý được giao hơn 38 tỷ đồng trong danh mục chuẩn bị đầu tư của năm 2021. Trong đó, có 06 dự án đường giao thông liên thôn và một dự án xây dựng trường học.
"Tôi cho rằng, nguồn đầu tư này là một trong những đột phá để thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã. Vì hệ thống giao thông khó khăn, muốn phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa hay phát triển du lịch thì cũng rất khó…”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo Quyết định danh mục công trình chuẩn bị đầu tư tại các xã vùng III, toàn huyện Bát Xát có 12 xã, với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn.
Ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát cho biết: Việc thực hiện Đề án tổng thể này được kỳ vọng tạo sự thay đổi đột phá cho địa phương, bởi nội dung đầu tư từ Đề án bao phủ toàn diện, căn cơ với việc giải quyết khó khăn, tồn tại trên các lĩnh vực, ví như cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, giáo dục, văn hóa... trong vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, việc triển khai Đề án còn được thống nhất theo quan điểm, hạn chế việc cho không mà tăng cường sự đối ứng, góp vốn từ chính người dân. Đây là cách làm mới nhằm khơi dậy sự sáng tạo, ý thức vươn lên từ chính mỗi người dân, nhất là trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.
Theo ông Hùng, xác định việc thành bại của mỗi chương trình, dự án thì người dân đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua, Phòng Dân tộc huyện đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia trong quá trình triển khai.
“Thông qua việc triển khai Đề án tổng thể, những người làm công tác dân tộc ở cơ sở như chúng tôi cũng tin tưởng rằng, công tác an sinh xã hội vùng DTTS sẽ được thực hiện tốt hơn, bản sắc văn hóa của đồng bà các dân tộc được bảo tồn và phát huy…” ông Hùng bộc bạch.