Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Tiến Trung cho biết, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Koa học và Công nghệ có liên quan đến công tác dân tộc được triển khai kịp thời, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN ngày 22/4/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 để triển khai thực hiện các nội dung được quy định tại Chương trình.
Ngày 15/02/2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định quy định về xây dựng dự toán chi công lao động khoa học của dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (Quyết định số 224/QĐ-BKHCN).
Để các hoạt động thuộc Chương trình triển khai hiệu quả trong thực tiễn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện Thông tư quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình (Thông tư số 348/2016 TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản để hướng dẫn thực hiện, quản lý Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua việc thực hiện các Chương trình/nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ được triển khai, từng bước gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống vùng dân tộc ít người và vùng núi. Các mô hình điểm, mô hình trình diễn và áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã phục vụ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bảo dân tộc ít người và vùng núi, góp phần thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng bền vững.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2016-2020 đã xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân; Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng, miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đã giúp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và khoảng 2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, khoảng 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao...; góp phần giải quyết lao động nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi và dân tộc ít người...
Đánh giá hiệu quả của Chương trình, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, Chương trình đã cơ bản hoàn thành các Mục tiêu và nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án của Chương trình đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa ban thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi và dân tộc ít người. Kết quả Chương trình đã được duy trì và phát huy nhân rộng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, việc thực hiện Chương trình cũng có một số khó khăn, hạn chế, một số quy định chưa phù hợp với đặc điểm vùng dân tộc ít người và miền núi, ví dụ cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN ngày 22/4/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tiếp nhận thông tin; việc thực hiện một số Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đối với vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số văn bản đã có sự thay đổi, một số văn bản có quy định còn chưa rõ, dẫn đến tồn tại khó khăn trong quá trình áp dụng; sự phối hợp giữa một số bộ, ngành địa phương đôi khi chưa chặt chẽ, đồng bộ gây khó khăn cho việc thực thi các quy định.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định riêng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi tạo cơ sở pháp lý để xây dựng quy định phát triển khoa học và công nghệ phục vụ khu vực đồng bào dân tộc ít người và miền núi./.