“Nhằm tận dụng nguồn phế thải của mặt hàng cá biển và vỏ thơm (dứa) bỏ ra ở hàng cá và hàng trái cây… để tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học giàu đạm phục vụ cho cây trồng, nhất là các loại rau, dưa… góp phần bảo vệ môi trường ở các chợ của tỉnh nhà”, cô giáo Huỳnh Thị Chung, bộc bạch.
Ấp ủ sáng tạo
Cô Chung, chia sẻ, những lần đi chợ Tuy Hòa hay chợ Tân Hiệp (phường 2, TP. Tuy Hòa) đến khu vực mua bán cá thấy bà con mình thải ra phế phẩm như nội tạng, mang, vảy, vây… hay vào những vụ thu hoạch trái thơm, đến gian hàng trái cây thì thấy người bán gọt vỏ thơm thải ra hàng bao tải, Trong tôi mãi suy nghĩ mình sẽ cố gắng nghiên cứu ra một giải pháp nào đó để tận dụng các chất phế phẩm này làm ra một sản phẩm khác hữu ích cho cộng đồng, dẫu biết mình không là kỹ sư chuyên môn về hóa học.
Cô giáo Chung, đem ý tưởng sáng tạo làm phân bón hữu cơ từ phế phẩm của cá biển và vỏ thơm chia sẻ với các đồng nghiệp ở trường thì được các thầy, cô giáo động viên ủng hộ. Đặc biệt với gia đình thì được chồng (kỹ sư điện Đặng Như Ý) thống nhất và sẵn sàng kiêm thêm việc “bếp núc” để cho vợ có thời gian trải lòng đam mê triển khai ý tưởng sáng tạo. Kỹ sư Đặng Như Ý, thổ lộ: “Từ đầu nghe vợ nói ý tưởng sáng tạo, tôi lo lắng khó có thể thực hiện,vì vợ là giáo viên dạy môn vật lý… nhưng ra mặt ủng hộ để tăng thêm tự tin. Không ngờ ý tưởng sáng tạo giải pháp có kết quả tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh vừa qua. Đây là niềm vui lớn của vợ và của gia đình”.
Được biết khi bắt tay thực hiện ý tưởng sáng tạo giải pháp làm phân hữu cơ sinh học từ vây, mang, vảy cá và vỏ thơm, cô giáo Chung cũng gặp không ít lần thất bại khi làm thử nghiệm.
Thỏa lòng ý tưởng
Cô giáo Huỳnh Thị Chung cho biết “Bản chất của giải pháp kỹ thuật là cho Enzyme Bromelain trong vỏ thơm được thủy phân của Protein có trong thủy hải sản”. Còn về quy trình kỹ thuật, cô giáo Chung “bật mí”: Đầu tiên nghiền nhỏ phế thải thủy hải sản chung với vỏ thơm và nước với tỷ lệ 1:1:2 (1 phế phẩm cá + 1 phế phẩm vỏ thơm + 2 phần nước). Nguyên liệu nội tạng cá và vỏ thơm được nghiền nhỏ với mục đích tăng diện tích tiếp xúc giữa 2 nguyên liệu, cũng như tạo điều kiện cho Enzyme Bromelain trong vỏ thơm thủy phân Protein có trong thủy hải sản.
Tiếp theo đem nguyên liệu ủ thời gian 3 giờ với 550C, đây là điều kiện quan trọng của Enzyme làm tăng hiệu suất tối đa cho quá trình thủy phân Protein tạo thành nguồn Acid amin để tạo nguồn dinh dưỡng Nitơ khi bón, tưới cây trồng.
Giai đoạn cuối cùng là đun nấu sôi, để nguội... lắng lọc sản phẩm hỗn hợp thành phân ra làm 2 loại. Loại phân dạng lỏng (nước) sẽ được sủ dụng để bón lá cho cây trồng, đặc biệt là rau ăn lá; bã (nguyên liệu còn lại sau khi lắng lọc lấy nước) sẽ được sử dụng để làm phân bón đất trồng.
Kỹ sư Lê Văn Thứng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh. Thành viên Hội đồng Giám khảo lĩnh vực nông, lâm nghiêp và tài nguyên môi trường đánh giá: “Giải pháp mô hình sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế thải thủy sản và vỏ thơm đã đáp ứng mục tiêu, nội dung Hội thi đề ra. Nhất là vấn đề môi trường trong việc xử lý phế phẩm thủy sản, vỏ thơm nói riêng và vỏ trái cây nói chung... ở các chợ hiện nay”.