Thách thức tại mỗi doanh nghiệp
Tỉnh Bắc Giang hiện có 461 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động với khoảng 204,8 nghìn công nhân, người lao động (chiếm 6,6% DN; 67,1% lao động). Trong đó 243 DN đến từ Hàn Quốc, 88 DN đến từ Trung Quốc; chủ yếu tập trung ở 5 khu công nghiệp (KCN).
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, các địa phương có DN đứng chân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó tiềm ẩn nguy cơ những vấn đề có thể phát sinh phức tạp liên quan đến an ninh trật tự (ANTT). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tại các KCN xảy ra 93 vụ việc liên quan đến DN và công nhân lao động. Cụ thể, có 44 vụ trộm cắp tài sản, với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng; 22 vụ xô xát, cố ý gây thương tích; 4 vụ tai nạn giao thông; 6 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy; xảy ra 3 vụ cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản, máy móc, thiết bị của DN.
Qua những vụ việc này, cơ quan chức năng đánh giá, việc bảo đảm ANTT tại các KCN còn gặp một số khó khăn, do số lượng DN, người lao động tăng nhanh; một số chủ DN mới chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa thực sự chú tâm đến công tác bảo đảm ANTT, còn lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác trong công tác tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản trong doanh nghiệp. Cùng đó, ý thức tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm của nhiều công nhân, người lao động chưa cao.
Hiểu rõ việc bảo đảm ANTT trong các DN rất quan trọng và cần sự tham gia của người trong cuộc, chính là chủ DN, mỗi công nhân, người lao động đang làm việc tại đó, Phòng An ninh kinh tế và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn DN thành lập các mô hình tự quản.
Trung tá Chu Bá Huy, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Thời gian qua, Phòng An ninh kinh tế cùng các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh đã đẩy mạnh việc xây dựng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các DN. Trong đó tuyên truyền giúp chủ DN, người lao động nhận ra rằng việc bảo đảm ANTT là trách nhiệm của chính mỗi thành viên trong công ty; việc phòng ngừa, đấu tranh với mầm mống tội phạm có giá trị hơn rất nhiều so với khâu giải quyết, khi vụ việc đã xảy ra”.
Giải quyết từ gốc rễ vấn đề
Tháng 6 vừa qua, Phòng An ninh kinh tế đã hướng dẫn 10 DN thực hiện xây dựng kế hoạch, đề xuất thành lập và tổ chức lễ ra mắt mô hình tổ tự quản bảo đảm ANTT, bảo vệ tài sản, phòng chống ma túy và phòng cháy chữa cháy.
Riêng ngày 30/6, Công ty TNHH SME Việt Nam, Công ty Cổ phần Sunpla Việt Nam, Công ty Cổ phần Việt Nam Sunergy (KCN Đình Trám) đã lần lượt ra mắt mô hình tự quản về ANTT, bảo vệ tài sản, phòng chống ma túy và phòng cháy, chữa cháy.
Mỗi mô hình ra đời, thu hút từ 12 - 22 người, trong đó có quản lý các bộ phận, công nhân, người lao động ở các xưởng, chuyền xản xuất. Tại từng doanh nghiệp, lãnh đạo, cán bộ Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) đều chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng trong giữ gìn ANTT tại chính đơn vị từ đó giúp chủ DN, công nhân hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, nâng cao ý thức tự quản, tự bảo vệ tài sản.
Ông Park Do Sun, Giám đốc Công ty TNHH SME Việt Nam (KCN Đình Trám) nói: “Công ty đi vào hoạt động từ năm 2014, với hơn 200 công nhân chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Chúng tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thành lập mô hình với tiêu chí 3 tự: "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản trong doanh nghiệp". Qua mô hình, chúng tôi sẽ kịp thời nắm bắt, giải quyết vụ việc mất ANTT từ khi mới phát sinh, kịp thời trao đổi thông tin với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan”.
Thượng tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, Công an tỉnh đang tiếp tục tập trung xây dựng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các DN, nhất là các DN FDI tại khu, cụm công nghiệp; thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ DN tháo gỡ các khó khăn, vướng vắc trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; duy trì hiệu quả quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh, Ban Quản lý các KCN, UBND huyện, thành phố và chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng trong bảo đảm ANTT trong KCN. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của công nhân, người lao động về âm mưu, hoạt động lợi dụng tổ chức của người lao động để thành lập “công đoàn độc lập”, kích động công nhân biểu tình, gây mất ANTT, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản của bản thân và DN. Chú trọng hướng dẫn các DN xây dựng các mô hình tự quản, mô hình liên kết nhằm chủ động phòng ngừa, giải quyết hiệu quả các tình hình, vụ việc phức tạp từ khởi nguồn.
Riêng Phòng An ninh kinh tế tiếp tục tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, DN, người lao động vào bảo đảm an ninh kinh tế, ANTT.
Đồng thời phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các KCN và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên tuyền, hướng dẫn các DN xây dựng các mô hình tự quản, mô hình liên kết về ANTT phù hợp với đặc điểm tình hình, thu hút đông đảo công nhân, người lao động tham gia. Ví dụ như: Tổ tự quản bảo đảm ANTT, phòng cháy, chữa cháy; Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật…
Hiện toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 150 mô hình tự quản về ANTT trong các DN, thu hút hàng nghìn công nhân, người lao động tham gia là thành viên. Tại đây, nhiều vụ việc có dấu hiệu phức tạp liên quan đến ANTT được giải quyết từ khi mới phát sinh, công tác an toàn phòng cháy, phòng chống ma túy cũng được quan tâm hơn. Môi trường làm việc an toàn, công nhân yên tâm gắn bó.