Bài 2: Thiếu đất - Câu chuyện chưa có hồi kết
Tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên” (tổ chức ngày 9/12/2018), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thông tin, toàn khu vực Tây Nguyên có khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất (ĐSX). Trong đó, tỉnh Đăk Lăk dẫn đầu với khoảng 19.198 hộ, Gia Lai đứng thứ hai với 12.986 hộ.
Lãng phí sử dụng đất
Số liệu trên thực sự gây “sốc”, bởi vào thời điểm năm 2012, theo Báo cáo số 252/BC-UBTVQH13, ngày 16/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, ĐSX cho đồng bào DTTS thì Đăk Lăk chỉ có 6.222 hộ thiếu ĐSX; Gia Lai thậm chí chỉ có 824 hộ. Vậy là, sau 6 năm (2012-2018), số hộ thiếu ĐSX của Đăk Lăk tăng gấp hơn 3 lần, còn Gia Lai tăng gấp gần 16 lần (!?).
Con số “không tưởng” này trên thực tế lại khá hợp lý vì nhiều lý do. Trước hết là do tình trạng chuyển nhượng, mua bán đất được cấp theo diện chính sách diễn ra tràn lan trong vùng đồng bào DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên những năm vừa qua.
Chỉ tính riêng ở TP. Pleiku (Gia Lai), trong tổng số hơn 1.300 hộ được cấp ĐSX thì đã có 747 hộ chuyển nhượng đất; nhiều nhất là ở xã Chư Á, với 555/725 hộ đem bán ĐSX được cấp. Thực trạng này không chỉ làm thất thoát quỹ đất Nhà nước (đất đai tích tụ vào tay một số cá nhân, tổ chức có tiềm lực kinh tế-PV) mà còn làm cho chính sách hỗ trợ ĐSX gần như có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc.
Ngoài ra, ở một số tỉnh miền núi, chính quyền các cấp đã phê duyệt những dự án có quy mô sử dụng đất rất lớn, nhưng hiệu quả lại không như kỳ vọng. Như tỉnh Gia Lai, từ năm 2008, 50.000ha rừng nghèo đã được tỉnh này cho phép chuyển đổi, giao cho 16 doanh nghiệp trồng cao su. Nhưng sau hơn 10 năm, những kỳ vọng của dự án phá sản, đất dự án bị sử dụng sai mục đích. Đơn cử, 250 ha đất giao cho Công ty Cổ phần Cao su Trung Nguyên (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) được chuyển sang trồng mít, xoài; đất được giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Đức Long Gia Lai được cho thuê trồng dưa hấu...
Còn ở Đăk Lăk, năm 2010, UBND tỉnh giao 1.500ha đất ở huyện M'Đrăk cho Công ty TNHH Liên hợp công-nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ, với thời hạn 50 năm, để doanh nghiệp thực hiện dự án... nuôi bò! Đó là chưa kể, quy mô của dự án là nuôi 13.000 con bò nhưng hiện chỉ nuôi được… 3.000 con!.
Tăng cường quản lý để tiết kiệm đất
Tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất nêu trên đã nhiều lần được đưa ra thảo luận rất gay gắt trên các diễn đàn. Mới đây nhất, tại Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, ĐSX cho đồng bào DTTS giai đoạn 2012-2018 (tổ chức ngày 30/8/2019), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã “truy” trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương trong vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) nêu thực trạng, ở một số nơi, doanh nghiệp xin lập dự án, thu hồi đất của đồng bào để trồng cây công nghiệp, nhưng sau đó lại triển khai trồng khoai, trồng sắn; rồi chính những doanh nghiệp đó lại thuê đồng bào làm công trên đất của mình.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng rất trăn trở trước việc chuyển nhượng, mua bán đất đai tràn lan trong vùng đồng bào DTTS, khiến tình trạng thiếu đất ở, ĐSX ngày càng gia tăng. “Luật đã có quy định chặt chẽ để hạn chế mua bán đất đai chính sách cấp cho đồng bào, vậy tại sao tình trạng này vẫn diễn ra nóng bỏng như vậy?”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu.
Cũng tại Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, ĐSX cho đồng bào DTTS giai đoạn 2012-2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các địa phương phải triệt để tiết kiệm trong quản lý, sử dụng đất. Việc tiết kiệm này không chỉ ở khâu phê duyệt các dự án sử dụng đất một cách hợp lý mà còn ở việc quản lý chặt chẽ quỹ đất chính sách đã cấp cho đồng bào DTTS.
Việc tiết kiệm đất đai được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra rõ ràng là vấn đề cấp thiết. Bởi nhiều năm nay, khi thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, ĐSX thì rất nhiều địa phương “kêu” quỹ đất không còn.
Và vì vậy, để có thể triển khai chính sách, một số địa phương thay vì hỗ trợ ĐSX đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề, dù không trúng nhu cầu, điều kiện của nhiều hộ đồng bào DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO