Ước mơ trở thành bác sĩ
Tuổi thơ của Hồ Văn Huy trôi qua trong nhọc nhằn và thiếu thốn. Hồi ấy, thôn Apun (xã Tà Rụt, huyện Đakrông Quảng Trị), nhìn ra tứ phía đều là rừng núi. Những gia đình người Bru Vân Kiều ở trong thôn cũng đều nghèo đói, cơ cực như gia đình Huy. Miếng cơm manh áo khiến họ luôn chật vật, đến mức ước mơ đôi khi chỉ là đủ ăn. Ấy vậy mà trong căn nhà sàn đơn sơ ám mùi khói, không có lấy một không gian để học tập, Huy lại có một ước mơ khác, ước mơ được học hành.
“Mỗi khi cầm sách lên, tâm trí tôi như thoát khỏi những khốn khó, thoát khỏi những gánh nặng mưu sinh đè nặng bao đời”, bác sĩ Hồ Văn Huy chia sẻ.
Là người Bru Vân Kiều, lớn lên ở miền núi cao. Ở đó, sự quở trách của thần linh hay con “ma rừng” từ lâu đã trở thành nguyên nhân chính của những căn bệnh mà dân bản mắc phải khi ốm đau. Đã từng chứng kiến sự ra đi vì bệnh tật của nhiều người mà không có “lễ cúng” nào cứu chữa được. Bản thân Hồ Văn Huy đã từng chứng kiến cảnh một người dân trong thôn bị đau bụng quằn quại. Khi thăm khám, cán bộ y tế tại trạm nghi là bị viêm ruột thừa. Thế nhưng gia đình lại cho rằng anh ấy bị con ma rừng bắt, nên giết gà, mổ lợn và mời thầy cúng về giải trừ con ma. Cuối cùng, ruột thừa vỡ dẫn đến một cái chết không đáng có. Tất cả những hiện thực buồn nơi Hồ Văn Huy sinh sống càng thôi thúc anh quyết chí theo học để thực hiện giấc mơ trở thành bác sĩ.
Miệt mài học tập ở trường làng; trường huyện, rồi trường nội trú tỉnh, đến năm 2014, Hồ Văn Huy trúng tuyển vào Khoa Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược Huế. Đó là nấc thang quan trọng trên hành trình đầy gian truân của bác sĩ trẻ người Bru Vân Kiều.
Trở về để chăm lo sức khỏe cho đồng bào
Năm 2019, Hồ Văn Huy tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Huế. Ngay sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Hồ Văn Huy trở về quê hương công tác ở Trung tâm Y tế huyện Đakrông (Quảng Trị).
Để hoàn thành công việc được giao, nhất là trong công tác chuyên môn, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu, trau dồi kiến thức, học hỏi từ đồng nghiệp. Bằng tấm lòng yêu nghề và sự nỗ lực trong công việc, tay nghề của anh Huy không ngừng được nâng cao. Vừa chăm sóc sức khỏe của người dân, vừa dần dần thay đổi nếp nghĩ đã hằn sâu trong dân bản không phải là điều dễ dàng. Từ lợi thế là người DTTS, bác sĩ Hồ Văn Huy thân thiện trò chuyện với đồng bào. Ngày một nhiều hơn những căn bệnh hiểm nghèo được bác sĩ Huy cùng đồng nghiệp chữa khỏi. Vì thế, những buổi lễ cúng con “ma rừng” để mong khỏi bệnh cũng ngày một ít đi.
Cùng với công việc ở cơ quan, những ngày nghỉ bác sĩ Hồ Văn Huy lại lên đường vào những bản làng xa xôi ở huyện Đakrông để nói chuyện với đồng bào. Những câu chuyện về chăm sóc sức khỏe, ăn uống sinh hoạt bảo đảm vệ sinh… Đặc biệt là tác hại của việc chữa bệnh bằng cách cúng con “ma rừng” được bác sĩ trẻ mang đến góp phần giúp đồng bào loại bỏ dần hủ tục.
Ông Đinh Nhật Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakrông đã nói về người đồng nghiệp của mình bằng cách trìu mến: “Bác sĩ Hồ Văn Huy là một tấm gương điển hình. Anh là người DTTS, trong điều kiện khó khăn đã vươn lên học tập. Ra trường quay về phục vụ cho bà con dân bản với tinh thần không ngại những khó khăn, vất vả. Bản thân bác sĩ luôn thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là có đóng góp rất lớn trong việc giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục”.