Giữ gìn kho báu giữa đại ngàn
Xã Cốc Ly có 19 thôn, với 1.206 hộ/6.432 nhân khẩu, gồm 12 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 3 dân tộc chính là Mông, Nùng, Dao. Điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc ở Cốc Ly luôn có ý thức gìn giữ rừng.
Vì vậy, tài nguyên rừng trên địa bàn xã Cốc Ly, nhất là rừng nguyên sinh luôn được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Đây là điều kiện khởi phát để hình thành nên một “khó báu” giữa đại ngàn Cốc Ly. Đó là những cánh rừng gỗ nghiến, gỗ trai cổ thụ; nhiều cây khoảng nghìn năm tuổi, được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2014.
Để được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, cây cổ thụ mọc tự nhiên phải có tuổi thọ trên 200 năm, cây to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử.
Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà, tổng diện tích rừng ở Cốc Ly hiện có khoảng 260 ha, chia làm 2 tiểu khu. Tổng số cây gỗ nghiến, trai cổ thụ còn trên cánh rừng là 828 cây; trong đó, có tới 357 cây gỗ trai, gỗ nghiến cổ thụ nghìn năm.
Gỗ nghiến ở thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly có nguồn gen quý hiếm thuộc nhóm IIA, có giá trị kinh tế rất cao. Đây là “con mồi” mà lâm tặc thường xuyên để ý. Nhưng nhờ rừng nghiến nằm trong khu vực rừng thờ cúng của cộng đồng dân cư thôn Cốc Sâm nên người dân nơi đây nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Bàn Văn Sinh, dân tộc Dao, là một trong những thành viên của tổ bảo vệ rừng chuyên biệt xã Cốc Ly. Sinh ra ở rừng, nên ông và bà con nơi đây tâm niệm phải luôn giữ rừng, bảo vệ rừng.
“Chúng tôi vào rừng kiểm tra thường xuyên, liên tục. Có hôm 1, 2 giờ mới ra khỏi rừng. Dù nhiều khó khăn nhưng anh em cố gắng khắc phục với mong muốn bảo vệ được những cây gỗ quý”, ông Sinh chia sẻ.
Theo GS. TSKH Khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), cây cổ thụ là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc; là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng.
Việc công nhận cây gỗ nghiến ở thôn Cốc Sam, xã Cốc Ly là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loài đặc hữu này, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cùng chung mục tiêu như các nhà khoa học, nhằm bảo vệ kho báu giữa đại ngàn, năm 2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 4409/QĐ-UBND bảo vệ rừng gỗ quý, trong đó có cây nghiến ngàn năm tuổi ở xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Theo quyết định này, trong 05 năm (2021 – 2025), ngân sách tỉnh sẽ bố trí gần 2,6 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp cho Nhân dân thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng nghiến cổ thụ.
Lan tỏa khát vọng xanh
Tháng 9/2023, 105 cây chè cổ thụ ở thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Số cây di sản này được khảo sát, lựa chọn trong quần thể hơn 8.500 cây chè Shan tuyết cổ thụ hiện có trên địa bàn huyện Bắc Hà, đạt các tiêu chí công nhận.
Theo bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, việc công nhận quần thể 105 cây chè Shan tuyết tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận công sức của nhiều thế hệ người dân địa phương trong phát triển vùng chè. Đây là niềm tự hào của không chỉ riêng các chủ hộ sở hữu cây mà còn của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, đặt ra trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của loại cây này.
Theo số liệu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, trên địa bàn huyện hiện có 1.041 ha chè Shan tuyết hữu cơ. Trong 10 tháng năm 2024, giá trị ngành hàng chè của huyện đạt 107,6 tỷ đồng.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam cũng là cơ hội để bà con người Mông trên địa bàn tăng thu nhập từ cây chè cổ thụ; đồng thời tạo điểm nhấn du lịch, thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ của Hoàng Thu Phố.
Là giống chè mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ, chè Shan tuyết đã và đang trở thành đặc sản mang lại nguồn thu cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại thông qua các công đoạn chăm sóc, thu hoạch và sản xuất chè được địa phương đẩy mạnh, trở thành bản sắc và tạo sức hút riêng đối với mỗi du khách khi ghé thăm cao nguyên trắng.
Theo ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố, những gốc chè cổ thụ đã sống qua nhiều thế hệ, được đồng bào dân tộc Mông bảo vệ, giữ gìn như báu vật. Đồng bào không rõ cây chè Shan tuyết có từ bao giờ, chỉ biết từ khi còn nhỏ đã được nghe kể lại “sự tích” về cây chè Shan. Trong đó có chuyện người dân nơi đây phát hiện ra búp chè non là phương thuốc quý, xua tan mệt mỏi sau những giờ lao động vất vả.
Sau này, nhận thấy cây chè Shan tuyết không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn có giá trị về văn hóa, du lịch, người dân và chính quyền xã Hoàng Thu Phố đã có nhiều biện pháp để bảo tồn chè cổ thụ. Cùng với việc cải tạo những gốc chè cổ thụ, chính quyền xã còn hỗ trợ, vận động bà con mở rộng nhân giống trồng chè Shan tuyết, tạo nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống.
Hiện cả nước có hơn 7.000 Cây Di sản thuộc 135 loài, phân bổ trên 55 tỉnh, thành phố từ địa đầu Hà Giang đến cực nam mũi Cà Mau, từ núi cao Trường Sơn Tây Nguyên tới Côn Đảo, Trường Sa. Trong đó, cây cao tuổi nhất 2.200 tuổi là hai cây táu có từ thời An Dương Vương ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.