Chuyện xưa kể lại...
Theo tiếng của người Raglay, Yang Bay có nghĩa là thác nước trời. Tương truyền, ở trên dãy núi Gia Kang có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng như bàn cờ. Ngày xưa, nhà trời và trần gian rất gần nhau nên Ngọc Hoàng và các nàng tiên trên thượng giới thường xuống đây dạo chơi và mở tiệc dịp đầu Xuân.
Trong số tiên nữ có nàng tiên út thường tách ra, cải trang thành thôn nữ để đi vào bản làng và được ông bà Cau Phú nhận làm con nuôi. Sau đó, nàng đem lòng yêu chàng trai trong bản tên là Cau Sơn. Ngọc Hoàng biết được rất tức giận nên hóa phép biến Cau Sơn thành đá. Nàng nhất quyết ở lại để canh giữ tượng chồng, hái rau, bắt cá sống qua ngày và nuôi con khôn lớn. Ngọc Hoàng giận dữ vì cho rằng, hạ giới dám giữ nàng tiên út ở lại làm dâu con nên đã ra tay trừng phạt, không cho mưa xuống trần gian. Trời làm nắng hạn, tất cả sông suối, hồ ao đều khô cạn.
Đang lúc hoang mang và thất vọng, bỗng nhiên có hai mẹ con nhà cóc xuất hiện. Ngày ngày cóc mẹ cứ nhảy qua những cái hố mà các loài thú đào, vừa nhảy vừa kêu lên ai oán cho đến khi hơi tàn lực kiệt mà chết. Cóc con chờ mãi không thấy mẹ về cũng kêu khóc thảm thiết rồi chết theo.
Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng vô cùng ân hận và cảm động, nước mắt chảy xuống chỗ cóc mẹ nằm tạo thành thác lớn, chỗ cóc con nằm tạo thành thác nhỏ. Nước mưa chạm vào tượng đá Cau Sơn làm chàng sống lại và đoàn tụ với mẹ con nàng tiên út. Có nước, cây cỏ, hoa lá xanh tươi, núi rừng bừng thức. Dân làng mừng vui, hăng say lao động, chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no và cứ đến mùa lúa mới lại làm Lễ tạ ơn Ngọc Hoàng.
Để tưởng nhớ mẹ con nhà cóc và muôn loài, người đời đã đặt tên cho thác lớn là Yang Bay (thác trời), thác nhỏ là Yang Khang (con trời), và thác Ho Cho (thác mẹ). Thác Yang Bay tuôn chảy cho đến ngày nay, đó là mạch nguồn sự sống của muôn loài…
Có thể nói, đây chỉ là một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại mà người Raglay giải thích cho sự tồn tại của thác Yang Bay. Nhưng cũng chính câu chuyện này, cộng với sự hùng vĩ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đã đưa Yang Bay trở thành điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Đến nơi đây, du khách đắm mình trong không gian thiên nhiên với thác nước Yang Bay trắng xóa, khí trời lành lạnh và non nước hữu tình đến lạ. Các chàng trai, cô gái Raglay biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc làm say lòng lữ khách. Đến Yang Bay sẽ cảm nhận đầy đủ hơn không gian văn hóa cộng đồng Raglay qua những tượng người bằng gỗ, nhà sàn, mã la hay những giai điệu múa dân gian đặc sắc... Qua hình ảnh những đôi tay thoăn thoắt biểu diễn các nhạc cụ bằng tre, nứa như: Đàn chapi, đàn tơ rưng, đàn krong put, sáo tale piloy, sáo ta cung, các loại kèn…
Đặc biệt, hằng năm vào dịp tháng Bảy (âm lịch), địa phương còn tổ chức Lễ hội Yang Bay. Lúc này, Yang Bay lại càng trở nên cuốn hút lòng người.
Giữ gìn truyền thống
Dân tộc Raglay ở Khánh Hòa có khoảng 50 nghìn người, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Đặc biệt, tại Yang Bay là bộ đàn đá của người Raglay vang vọng, réo rắt, trong trẻo hòa cùng những câu hát dân ca, tiếng suối, thác, tiếng chim… hòa nhịp cùng tạo thành âm hưởng hòa tấu đặc sắc mang hơi thở đại ngàn.
Để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc nơi đây, tái hiện những hình ảnh độc đáo lan tỏa đến hàng triệu trái tim du khách trong nước và quốc tế, bằng sức dẻo và tình yêu nghệ thuật, Đội Văn nghệ địa phương - Những “nghệ nhân núi rừng Yang Bay” đã tạo lên ngọn lửa đam mê và tình yêu nghệ thuật.
Đội Văn nghệ này thường xuyên tập và biểu diễn nhạc cụ sáo đinh tút, là sáo tỏ tình của các chàng trai với cô gái. Sáo tale-piloi, sáo quyền lực của dân tộc Raglay. Người thổi sáo này rất được trọng vọng trong buôn làng. Sáo ta - cung là sáo gọi bạn, có thể nói sáo ta - cung vươn xa khỏi làng, khỏi đại ngàn..., mời gọi bè bạn năm châu về mái nhà Yang Bay.
Chị Đinh Thị Minh Hiếu, Phó Trưởng Khu Du lịch Yang Bay, Đội trưởng Đội văn nghệ Raglay Yang Bay phấn khởi chia sẻ: Đội Văn nghệ chúng tôi được thành lập gần 15 năm nay, đã tham gia biểu diễn hàng chục vạn lượt cho du khách thưởng thức. Vừa tập luyện, các thành viên vừa tìm kiếm, học hỏi nâng cao vốn hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình, liên tục bồi dưỡng đội ngũ kế thừa tài năng nghệ thuật. Với mong muốn không chỉ phục vụ dịch vụ du lịch mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa quý giá của dân tộc.
Hiện nay, Đội có 10 thành viên cả nam và nữ. Chúng tôi tâm huyết với việc tái hiện những nét văn hóa riêng của người Raglay, không chỉ phục vụ du lịch mà còn bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc. Đến Yang Bay, du khách xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc thường vào lúc 10h45 và 13h15 mỗi ngày. Ngoài ra, du khách có thể tham gia trải nghiệm giao lưu âm nhạc với các nghệ nhân tại đây.
Anh Cao Dy, một thành viên đã có hơn 10 năm tham gia Đội văn nghệ này vừa thổi sáo vỗ đôi, vừa tâm tình với chúng tôi bên dòng suối: “Tình yêu Yang Bay và niềm đam mê nghệ thuật đã thôi thúc chúng tôi sống với khát vọng, với đam mê không biết mệt mỏi”.