Anh Sùng A Tủa là người trẻ đã ứng dụng thành công công nghệ số để phát triển kinh tế du lịch Xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) là nơi sinh sống của 376 hộ dân, trong đó đồng bào Mông chiếm 99%. Phình Hồ nằm ở lưng chừng núi, được mệnh danh là "bản làng trên mây" bởi nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, quanh năm chìm trong biển mây, khung cảnh thiên nhiên trong lành, hoang sơ, hùng vĩ. Những năm qua, lượng khách du lịch đến với Phình Hồ ngày một tăng cao. Một trong những lý do hút khách biết đến nơi này là nhờ xem hình ảnh trên kênh TikTok của anh Sùng A Tủa.
Là người con của bản làng, anh Sùng A Tủa hiểu rõ về bản sắc văn hóa dân tộc Mông, anh đã tích cực truyền thông, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Phình Hồ trên các nền tảng số, với mong muốn sẽ có nhiều du khách biết và đến với quê hương mình. Với giọng nói mang đặc trưng riêng cùng bộ trang phục truyền thống của dân tộc, mỗi video của A Tủa, là một câu chuyện đặc sắc về văn hóa, ẩm thực, các sản vật đặc trưng của người Mông, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả xem kênh ở khắp mọi nơi.
Ngoài ra, anh A Tủa đã cùng một số TikToker đến từ các tỉnh mở các phiên livestream các mặt hàng OCOP để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương như: chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, gạo nếp Tú Lệ, gà đen Tây Bắc, miến, khoai sọ… Nhờ vậy, mà khách du lịch đến với địa phương ngày càng đông, bà con có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Anh Sùng A Tủa quảng bá hình ảnh quê hương trên nền tảng Facebook thu hút được lượng truy cập, tương tác lớnBà Dương Phương Thảo, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu chia sẻ: Anh Sùng A Tủa là người trẻ đã ứng dụng thành công công nghệ số để phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn huyện. Bằng tình yêu quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc, A Tủa được nhiều người đánh giá là một trong những nhà sáng tạo nội dung nghiêm túc; năng động học hỏi để ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch địa phương. A Tủa luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm sử dụng công nghệ số của mình với bà con và các bạn thanh niên để cùng liên kết quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, văn hóa bản sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu, thành công của Tủa đã tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng, lan tỏa hình ảnh Phình Hồ nói riêng và huyện Trạm Tấu nói chung trên các nền tảng số, góp phần đưa hình ảnh tỉnh Yên Bái ngày một vươn xa.
Các em nhỏ tại đồi mâm xôi La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cũng trở thành thuyết minh du lịch hoặc những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hỗ trợ khách du lịch trải nghiệmTương tự, khi đến với đồi mâm xôi xã La Pán tẩn (Mù Cang Chải), du khách không chỉ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang di sản cao ngút ngàn, mà còn bị hấp dẫn với bản sắc văn hóa cũng như cách làm du lịch của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Ở La Pán Tẩn, người dân ai cũng có thể trở thành những thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Khi được hỏi về ruộng mâm xôi và văn hóa người Mông, anh Lý A Long, là thành viên Tổ xe ôm du lịch xã La Pán Tẩn nhiệt tình giới thiệu về các địa điểm du lịch, về những lưu ý khi đi du lịch tại đây, về những nét đẹp văn hóa người Mông một cách khá tường tận và dễ hiểu.
Hay em Hàng Thị Chư, học sinh lớp 4, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn, tranh thủ ngày nghỉ học, trong trang phục truyền thống dân tộc Mông, em nhiệt tình chỉ cho du khách góc đẹp nhất để chụp ruộng mâm xôi, cách chụp ảnh để lấy phong cảnh đẹp và sẵn sàng đứng chụp ảnh cùng du khách. Với những khách du lịch đi riêng lẻ, em sẵn sàng hỗ trợ, hoặc tư vấn khách chụp ảnh cũng như quay clip một cách rất chuyên nghiệp.
Không chỉ là xe ôm chuyên nghiệp, đội ngũ xe ôm tại La Pán Tẩn cũng chính là những thuyết minh viên du lịch quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Yên Bái tới du kháchChị Hoàng Thị Thơ, du khách đến từ Hà Nội tỏ ra ngạc nhiên, các em nhỏ ở đây rất nhiệt tình. Nhờ có các em nên chị đã có được những bức ảnh đẹp tại ruộng mâm xôi. Chị Thơ cũng chia sẻ, cảnh quan ở đây rất đẹp, con người thân thiện, mến khách, tiếc rằng trong chương trình chị chỉ ghé qua thăm quan nên năm sau chị sẽ quay trở lại để khám phá hết vẻ đẹp xã La Pán Tẩn.
Có thể thấy, tấm gương anh Sùng A Tủa (Trạm Tấu), anh Lý A Long, em Hàng Thị Chư dù có độ tuổi khác nhau, làm các công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là yêu quê hương và mong muốn, có trách nhiệm quảng bá vẻ đẹp của địa phương tới du khách gần xa.
Chính những tấm gương ấy đã tạo ấn tượng tốt, khiến cho du khách có được những trải nghiệm thú vị tại Yên Bái, góp phần vào kết quả năm 2024, ngành Du lịch Yên Bái đón và phục vụ trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 3%, trong đó khách quốc tế ước đạt 270.000 lượt; doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng. Tính đến hết Quý I/2025, toàn ngành Du lịch ước đón phục vụ 742.335 lượt khách du lịch, tăng 7,1% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 83.582 lượt, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu ước đạt trên 632,2 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ.