Theo đó, tại nhà ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành (huyện Yên Thành) bị phát hiện có 14 cá thể hổ; nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi) ở xóm Phú Xuân cùng xã Đô Thành, bị phát hiện có 3 cá thể hổ. Hai gia chủ này khai nhận mua số hổ này từ Lào khi còn nhỏ, sau đó cải tạo hệ thống chuồng trại để nuôi nhốt.
Việc nuôi nhốt những cá thể hổ này là tự phát và phạm pháp; đã và đang cổ súy cho hoạt động buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm từ loài động vật hoang dã này. Những người nuôi hổ chắc chắn biết hổ là loại động vật hoang dã, có bản tính hung dữ và rất khó thuần hóa.
Họ lại chưa lường hết một điều rằng: Việc nuôi nhốt nhiều cá thể hổ ngay trong nhà, đã tiềm ẩn nhiều ẩn họa khó lường đối với chính bản thân người nuôi nhốt. Nếu sơ suất có thể bị hổ tấn công, phải trả giá bằng tính mạng, thậm chí gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Nhiều người đã rất bất ngờ khi tận mắt thấy những con hổ nặng hàng tạ ở ngay hàng xóm nhà mình. Ai cũng tự đặt ra câu hỏi: Nuôi từng ấy con hổ, nặng hàng tạ mà qua mặt được hàng xóm, cơ quan chức năng… mãi mới bị phát hiện thì quá giỏi.
Bởi, để mỗi con hổ trưởng thành, nặng chừng 200kg mỗi con là cả một thời gian không hề ngắn, nhưng vì sao cơ quan chức năng vẫn không thể phát hiện? Điều đặc biệt hơn, nó lại xảy ra tại địa bàn xã từng bị cơ quan chức năng xử lý, bắt giữ về hành vi “nuôi nhốt hổ” vào năm 2012.
Đương nhiên, những hộ nuôi nhốt hổ trái phép sẽ bị xử lí theo quy định pháp luật, chẳng cần phải bàn cãi nhiều. Nhưng dư luận băn khoăn trước rất nhiều nghi vấn đang rất cần được làm rõ.
Điều gì khiến cơ quan chức năng sở tại, cụ thể là chính quyền địa phương, UBND xã Đô Thành; các lực lượng chức năng huyện Yên Thành không nắm được để xử lý sớm và dứt điểm. Chỉ đến khi lực lượng Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc, thì phát hiện việc nuôi nhốt hổ trái phép quy mô, số lượng lớn.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Khi có kết luận cuối cùng, trách nhiệm của ai đến đâu, thì hẳn sẽ bị xử lý đến đấy. Nhưng nhiều người trước sau vẫn lấy làm khó hiểu là tại sao, các hộ nuôi nhốt hổ tại xã Đô Thành qua mặt được lực lượng chức năng trong những tháng ngày qua? Phải chăng, “do các chuồng trại nuôi hổ được xây dựng khép kín, tách biệt nên người ngoài khó phát hiện”?
Vụ việc khiến người dân tỏ ra bất ngờ là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, khi trả lời báo chí, chúng tôi lại bất ngờ thay khi chính quyền sở tại đều trả lời “không biết”, “không phát hiện”… Tất cả chỉ có thể gói gọn trong mấy từ: thờ ơ, buông lỏng, thiếu trách nhiệm mà thôi.
Sau mấy ngày tạm giữ 17 cá thể hổ, thì đã có 8 con bị chết. Theo cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thì số hổ bị chết đã được cấp đông để phục vụ cho công tác điều tra.
Vấn đề đặt ra là, phải trả lời thỏa đáng vì sao 8/17 cá thể hổ bị chết bất ngờ, dù khi lực lượng công an tỉnh Nghệ An ập vào bắt quả tang thì chúng vẫn còn sống khỏe. Lại nữa, 8 cá thể hổ bị chết sẽ được xử lí như thế nào để vừa hợp tình, hợp lý, đúng quy định?
9 cá thể hổ đang sống, có ai dám chắc sẽ không có thêm con nào bị chết. Rồi khi kết thúc chuyên án, những cá thể hổ còn sống sẽ được giải quyết ra sao?
Câu chuyện nuôi hổ, buôn bán hổ, vận chuyển hổ… chưa bao giờ hết nóng ở xứ Nghệ. Chỉ tính trong mấy năm gần đây, nhiều cá thể hổ nặng hàng tạ ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã được phát hiện trước khi gia chủ chuẩn bị nấu cao.
Điển hình là vào đầu năm 2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) đã bắt quả tang vụ giết thịt 5 con hổ tại nhà ông Cao Xuân Toàn (trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) để nấu cao. Hay đầu năm 2021, Công an Hà Tĩnh kiểm tra nhà riêng của ông Đinh Nhật Nghệ (ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), phát hiện tại khu nhà vệ sinh có một con hổ đã chết nặng đến 2,5 tạ. Ông Nghệ khai mua con hổ nói trên từ tỉnh Nghệ An với số tiền hàng tỷ đồng về để xẻ thịt nấu cao bán kiếm lời.
Mới đây, ngày 1/8/2021, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra xe mang BKS 37A-032.58 do 2 đối tượng Trần Trung Hiếu (SN 1984, trú thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Lai (SN 1967, trú xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) điều khiển đang vận chuyển trái phép 3 con hổ con không có thủ tục giấy tờ từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn đi qua địa bàn Nghệ An để tiêu thụ thì bị bắt. Mục đích các đối tượng vận chuyển hổ con nói trên về Nghệ An, sau đó được khai là để bán cho người có nhu cầu nuôi nhốt số cá thể động vật hoang dã này.
Trở lại câu chuyện 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép vừa bị phát hiện tại Yên Thành, Nghệ An, rõ ràng đang có những dấu hỏi đặt ra đối với trách nhiệm của các cấp chính quyền sở tại cần được làm rõ.