Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2017, các doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 5,7 triệu tấn gạo, vượt kế hoạch đề ra.
Hợp đồng đăng ký xuất khẩu tính đến cuối năm 2017 đạt gần 6,4 triệu tấn gạo nên hiện vẫn còn khoảng 630.000 tấn gạo đã đăng ký xuất khẩu được chuyển sang năm 2018. Đây là một trong những yếu tố tạo đà cho xuất khẩu gạo sôi động trong đầu năm nay.
Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 450.000 tấn, thu về 214 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 49,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình trong tháng 1/2018 đạt mức 486,2 USD/tấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong số các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất, đạt 144.890 tấn với giá trị xuất khẩu đạt 444,5 USD/tấn, chiếm 29% trong tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với kim ngạch đạt 114.215 tấn, tương đương 56,21 triệu USD, chiếm 23% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 57.000 tấn, tương đương 27,16 triệu USD, đứng thứ 3 trong những thị trường lớn nhất của hạt gạo Việt, chiếm trên 11% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước; giá xuất khẩu cũng tương đối cao với 476,6 USD/tấn.
Kết quả này có được là do Việt Nam đã trúng thầu xuất khẩu 141.000 tấn gạo sang Indonesia ở đợt mở thầu 346.000 tấn do Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia tổ chức cuối tháng 1/2018. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khác như Irắc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Malaysia… cũng đạt kim ngạch tăng cao trong tháng đầu năm.
Theo dự đoán của các doanh nghiệp, giá lúa gạo trong nước sẽ có xu hướng giảm trong tháng 2/2018 khi vụ Đông Xuân bắt đầu thu hoạch rộ. Tuy vậy, giá vẫn sẽ ở mức cao so với những năm trước đó.
Cùng với sự gia tăng về kim ngạch và giá trị, theo Bộ Công Thương, cơ cấu gạo xuất khẩu gạo đang tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, giá trị cao như: gạo nếp, japonica, gạo lứt, phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu./.
THEO VOV