Đón Xuân trên đỉnh Tả Lèng
Bên ấm trà thơm, đặc trưng vị trà rừng Tả Liên Sơn, cô giáo Nguyễn Thị Quyên, giáo viên Trường Tiểu học Tả Lèng, huyện Tam Đường bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Lai Châu công tác. Được biết, chị quê Thái Bình, năm 2000, chị theo anh trai lên Tây Bắc chơi, cảnh sắc và con người nơi đây đã hớp hồn cô gái mới lớn...
Nghe tin, tỉnh Lai Châu tuyển giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù chữ, Quyên quyết định lên vùng cao làm cô giáo bản. Dạy được 1 năm, chị đăng ký học lớp Trung cấp Sư phạm ở Tuần Giáo - Điện Biên. Tốt nghiệp Sư phạm, Quyên xin trở lại Tả Lèng để tiếp tục sự nghiệp “trồng” người. Chị được phân công đảm nhiệm lớp 1. Chính trong những ngày ở bản chị đã bén duyên với anh Bộ đội cắm cơ sở và giờ họ đã về một nhà.
Ngược núi Tả Lèng, chúng tôi gặp cô giáo Đèo Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tả Lèng. Xuân này là năm thứ 16, cô giáo Tâm cắm bản. Hẳn phải là người yêu nghề, mến trẻ nhiều lắm mới làm được như thế. Đèo Thị Tâm là người con gái Thái chính gốc Mường So - địa danh nức tiếng là vùng có con gái đẹp nhất nhì nước Việt. Tình yêu của Tâm là câu chuyện đẹp có hậu.
Ngày trước, cô gái đẹp xứ Thái vùng Mường So - Đèo Thị Tâm là sinh viên ngành Mầm non của trường Nhà trẻ Mẫu giáo Trung ương, trong một lần tham dự sự kiện sinh viên Thủ đô, không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà cô phải lòng chàng trai Thái Bình sinh viên Đại học Văn hóa. Lẽ thường, Tâm đã về Thái Bình làm dâu, nhưng nghĩ đến bản làng, đến những đàn em ríu rít gọi chị Tâm mỗi lần về bản là cô không khỏi chạnh lòng. “Anh thương em, thì lên làm rể bản Thái”, là thông điệp cô gửi đến anh và theo tiếng gọi tình yêu, chàng trai “quê hương 5 tấn”, mang trầu cau lên chín bậc nhà sàn. Một đám cưới của “2 xứ Thái” gặp nhau đẹp như câu chuyện cổ tích, như những điệu xòe bất tận...
Quê hương thứ 2
Cô giáo Dương Thị Lương, quê Vĩnh Bảo (Hải Phòng) giáo viên Trường THCS xã Làng Mô, (huyện Sìn Hồ) 20 năm nên duyên cùng thầy giáo người Dao quê Sìn Hồ - Tẩn Văn San. 20 năm làm dâu vùng cao thì có 13 năm gia đình chị đón Xuân tại khu tập thể của nhà trường. Giờ thì họ đã cất được một ngôi nhà gỗ chắc chắn cách trường Làng Mô chừng 20km.
Tết đến Xuân về, mỗi khi quây quần bên gia đình nhỏ, cô Lương lại nhớ quê, nhớ thời son trẻ, một mình lên vùng cao thử việc. Năm 2005, cô nhận quyết định về xã Làng Mô công tác. Cô Lương quyết định bắt xe ôm vào đó một chuyến xem sao, “nếu không ổn thì coi như một chuyến đi chơi”, chị nghĩ vậy. Nhưng vào đến nơi cái bụng cô đau nhói vì những cú xóc lộn ruột gan, bởi đường toàn ổ voi. Cơn đau bụng mỗi lúc một nặng, không thể ngồi xe được, lúc ấy cô chỉ muốn về quê ngay. Bác xe ôm dìu cô vào nhà người dân ven đường, nhà tối om, chị chủ nhà mặt lầm lì không nói nửa lời, múc cho cô bát canh, ra hiệu uống đi; khi ấy cô chỉ biết nhìn và làm theo. Làm một hơi, rùng mình đắng ngắt, rồi thấy ngòn ngọt cuống lưỡi. Sau bát canh cơn đau bụng chấm dứt, từ lúc ấy, hình ảnh người phụ nữ Mông địu con lầm lũi bên bếp lửa làm chị mường tượng các nhân vật trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, chị không nghĩ chuyện trong sách là có thật: “Tuổi trẻ của mình không thể để hoài, để uổng, phải làm một cái gì đó cho vùng đất này”, Lương quyết tâm!.
Ngôi nhà gỗ tại bản Cuổi Tở, xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ của vợ chồng thầy giáo Nguyễn Thái Sương và cô Hà Thị Thanh Hải quê Phú Thọ năm nào cũng chật ních những cành đào, lá dong, gạo nếp là quà của học sinh và phụ huynh từ bản mang về tết thầy cô. Nậm Cuổi là xã xa nhất nhì huyện Sìn Hồ, nơi định cư của đồng bào Thái đen, chỉ đi xuồng máy trên lòng hồ sông Đà khoảng 2 giờ đồng hồ là sang đất Quỳnh Nhai (Sơn La), cũng vì giao thông đi lại quá khó khăn nên khoảng 3 đến 4 năm anh chị mới về quê một lần.
Năm 2006, sau một đêm không ngủ bởi tiếng tàu hoả xình xịch từ Phú Thọ ngược Lào Cai, rồi bắt xe khách cả lên Lai Châu, rồi chờ cả tuần nhận quyết định về Nậm Cuổi dạy học. Kỷ niệm đáng nhớ mãi đến giờ với cô Hải là ngày đầu đến lớp, học trò cứ nhìn cô mắt tròn xoe, hỏi không nói một lời, thì ra nhiều em nhút nhát bởi tiếng phổ thông chưa rõ. Thế là cô vừa dạy chữ, vừa dạy phát âm tiếng Việt. Thanh xuân của cô là những ngày họp trường. Ngày ấy, các giáo viên cắm bản cả tháng, chỉ khi nhận giấy viết tay mời họp của hiệu trưởng, thì các thầy cô mới cuốc bộ ra trung tâm xã.
Nghề giáo biết bao kỷ niệm, nhưng kỷ niệm nhớ nhất với chị là ngày Tết người Thái hay làm món “khẩu xén”, đó là món ăn truyền thống được làm từ gạo nếp và sắn nương, Tết ở bản nhà nào cũng làm “khẩu xén”. Vì nhớ quê, cô và các giáo viên cắm bản bàn nhau vào rừng lấy lá dong gói bánh chưng. Bà con các bản thấy lạ, kéo đến xem đông lắm, vừa gói bánh, thầy cô giải thích cho bà con về “truyền thuyết Lang Liêu”, về “sự tích bánh chưng, bánh giầy” và cũng từ Xuân ấy, bà con ở bản xa biết gói bánh chưng vào các ngày Tết.
Trưởng bản Cuổi Tở, Lừ Văn Bính (xã Nậm Cuổi) phấn khởi: “Nhiều thế hệ các thầy cô giáo dưới xuôi lên dạy chữ cho con em, người Thái Cuổi Tở ai cũng quý, kính trọng các thầy cô. Ngày trước tìm trong bản ra người biết chữ hiếm lắm, nay bản mình ai cũng biết chữ cả, có được điều đó là nhờ công của các thầy cô dạy dỗ. Không chỉ có gia đình thầy Sương, cô Hải mà nhiều gia đình giáo viên ở đây giờ đã thành người của bản Cuổi Tở rồi!”.