Cô Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường hiện rõ niềm vui trên khuôn mặt khi được tiếp khách ở dưới xuôi lên. Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ của mình, ngoài bộ bàn ghế uống nước, trong phòng còn ngổn ngang những đồ đạc, dụng cụ giảng dạy cho các em mầm non. Dù vậy, theo lời cô Phượng, đây là căn phòng có vẻ sang nhất của điểm trường.
Cô Phượng cho biết, nơi đây địa hình đồi núi phân cách nên nhà trường vẫn còn tới 5 khu lẻ nằm rải rác tại các bản như: Khu Tráng, khu Vần, khu Vặn khu Vịn, khu Cơn và khu Ngàm. Với hơn 400 học sinh, nhà trường được bố trí 47 cán bộ giáo viên. Trong đó, có 25 cán bộ giáo viên nữ từ miền xuôi và các huyện khác lên công tác phải ở lại.
Để giải quyết khó khăn về thiếu thốn phòng học và nơi ở cho cán bộ giáo viên, vừa qua, Phòng cũng đã kiến nghị lên huyện, các phòng ban cũng đang lên kế hoạch đưa vào vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2020 - 2025.
Ông Lê Minh ThưTrưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh
“Khó khăn hiện tại của nhà trường là thiếu phòng lớp học (thiếu 5 phòng); ở một số điểm lẻ thì cũng rơi vào tình trạng xuống cấp. Bất cập nhất là 25 cán bộ giáo viên, không có nhà công vụ để ăn ở, sinh hoạt, trong đó khu chính là 12 cô; khu Vần có 6 cô, khu Tráng 2 cô, khu Vặn 5 cô", cô Phượng nói.
Không có nhà công vụ cho giáo viên, buộc các cô phải tận dụng phòng học. Ban ngày, phòng học là nơi giảng dạy, sau giờ tan học lại thành nơi ăn, ngủ, sinh hoạt của giáo viên. Giường là những chiếc đệm, là cái chõng vốn của các học sinh tận dụng để nằm.
Đối với các cô ở điểm trường lẻ, để ra trung tâm mua sắm lương thực, thực phẩm đưa về điểm trường, các cô phải đi bộ từ 2 đến ba cây số đường khó, địa hình cách trở.
Đa phần các cô giáo lên cắm bản đều tuổi đời còn rất trẻ, nhiều cô mới lập gia đình, có hoàn cảnh khó khăn. Có những cô phải địu cả con nhỏ lên bản để nuôi dạy. Như cô Lê Thị Tuyến (SN 1996) phải địu đứa con 4 tuổi lên khu Vặn vừa để chăm con, vừa lên lớp; Cô Phạm Thị Tâm Thương có con 5 tuổi, dạy ở khu Ngàm; cô Hà Thị Nguyệt (SN 1994), có con 2 tuổi đưa lên khu Ngàm…
"Vì có con nhỏ nên việc phải ăn, ngủ chung gây ra nhiều bất tiện. Nhu cầu có không gian sinh hoạt riêng, là điều rất bức thiết mà chúng tôi mong mỏi bấy lâu nay”, cô Phượng chia sẻ.
Cô Phạm Thị Tâm Thương là một trong số các giáo viên phải đưa con nhỏ theo. Vừa đảm bảo công việc và nuôi con nhỏ gây cho cô nhiều khó khăn. Nhà hai vợ chồng ở dưới xuôi, chồng cũng làm xa nhà, trong khi ông bà nội tuổi cao nên cô phải địu con theo.
“Vừa để tiện chăm sóc và một phần cũng vì nhớ con, không thể thường xuyên xuôi ngược tốn kém. Có những khi chồng nhớ vợ con, muốn lên thăm cũng khó vì không có nơi ở nên gia đình cứ phải xa cách mãi”, cô Thương bộc bạch.
Cũng như cô Thương, các cô giáo trẻ khác đang cắm bản cũng có một nỗi niềm tương tự. “Chúng em chỉ ước sao có được một nơi ăn, ngủ đàng hoàng, nhỏ thôi kê được chiếc giường, hay vừa đủ trải được chiếc chiếu nhỏ cũng là hạnh phúc lắm rồi”, cô Hà Thị Nguyệt nói.
Theo ông Lương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng, cho biết, dù xã rất hiểu tâm tư của các giáo viên nhưng “lực bất tòng tâm”. “Chúng tôi rất trăn trở khi để các cô phải ăn ở tại trường, tại lớp. “Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn này, thì ngoài khả năng của xã. Chúng tôi đang hy vọng những kiến nghị về một dự án nhà công vụ cho các cô sẽ sớm được triển khai”, ông Hải nói.