Năm nay là năm thứ 16, cô giáo Nguyễn Thị Hà, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nhận nhiệm vụ dạy ở điểm bản Tù Cù Phìn, cách trường trung tâm hơn 5km. Tết này cũng như nhiều Tết khác, cô Hà đã ở lại ăn Tết cùng bà con dân bản Tù Cù Phìn, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ (Lai Châu).
Cô giáo Hà chia sẻ, ngày Tết ở bản tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng bà con và học sinh đều rất tình cảm, gần gũi, có quà bánh gì cũng đều nhớ đến cô giáo, nên cô cũng vơi bớt nỗi buồn. Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, giờ cô đã có chồng và gia đình ở tại bản, nên từ lâu cô đã coi mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.
Tết năm nay, chồng con cô về đón Tết với ông bà nội ở Điện Biên, còn cô ở lại ăn Tết với bà con dân bản. “Bà con dân bản còn nghèo và khó khăn, nhưng tình cảm đầm ấm nên cũng vơi đi nỗi nhớ nhà...”, cô Hà cho biết.
Cũng giống như cô giáo Hà, gắn bó vùng cao từ năm 23 tuổi, giờ đã 17 năm cô giáo Đào Thị Thoa, bám trụ để dạy học tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Huổi Lếch, thuộc xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cô Thoa gần như đã quen với không khí ngày tết Nguyên đán nơi đây. Đây là lý do, dù vui hay buồn, cuộc sống đầy đủ hay thiếu thốn, chỉ cần nghĩ về tình cảm các em học sinh DTTS nơi vùng cao này dành cho cô; rồi chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh, nhưng rất nghe lời thầy, cô nỗ lực đến trường học con chữ, để mai này có cơ hội thay đổi cuộc sống, là cô Thoa lại thấy ấm lòng.
Nhớ lại cái Tết đầu tiên ở lại trường ăn Tết, cô giáo Thoa vẫn không giấu được cái cảm xúc buồn man mác. Đó là vào năm 2004, một mình đón Tết trong bốn bức vách, mình nghĩ đến Xuân, nhưng dường như Xuân vẫn xa xôi, chưa chịu về bản nhỏ này. Học sinh nghỉ ở nhà, dân bản vẫn cặm cụi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Chẳng ai biết tết Nguyên đán là gì. Buồn quá, cô tìm đến từng nhà trong bản nói chuyện với bà con, hỏi bà con về Tết truyền thống của đồng bào.
“Tôi kể cho bà con về Tết của người Kinh mà phụ huynh và học sinh cứ tròn xoe mắt. Những ngày sau Tết, nhiều phụ huynh còn đến lớp học bảo cô giáo Thoa “kể chuyện cái Tết người Kinh đi”…”, cô Thoa kể lại.
Thế rồi cái Tết buồn năm đó cũng qua đi, cho đến Tết năm 2005, cô Thoa vẫn ở lại trường, nhưng lần này cô đón Tết với một tâm thế khác. Cô Thoa lên một “kế hoạch” đón Tết khá tỉ mỉ. Trước Tết hai tháng, cô gửi toàn bộ số tiền tích cóp về Điện Biên nhờ mua kẹo, bánh và mắm, muối, dầu mỡ, những nhu yếu phẩm thường hay được sử dụng trong ngày Tết đưa về trường để tổ chức đón Tết với các em học sinh và bà con.
Tết năm ấy, bản Cây Sặt vui hơn bao giờ hết, vì lần đầu bà con trong bản được cảm nhận không khí Tết của người Kinh ở bản người Mông trên biên giới. “Mọi người cùng tôi gói bánh chưng, cùng nhau trông bánh chín… Trẻ con, người già được mừng tuổi; ai cũng được ăn bánh kẹo, được thưởng thức bánh chưng, bà con dân bản vui mừng lắm!”, lời cô Thoa kể vẫn ánh lên niềm vui năm nào.
Từ đó tới nay, cô giáo Thoa vẫn gắn bó với bà con, học sinh ở Huổi Lếnh.
Ngoài cô giáo Hà, cô giáo Thoa, thì còn có rất nhiều thầy, cô giáo ở khắp mọi miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đang gác lại mong ước được sum vầy bên gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về, tình nguyện ở lại vì nặng tình với bà con dân bản, với học sinh thân yêu.