Theo đó, đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn… Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; khối Đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Tầm nhìn đến năm 2045, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Trong đó, có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước…
Để cụ thể hóa mục tiêu này, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; ưu tiên nguồn lực phát kết cấu hạ tầng và hệ thống đô thị trên các hành lang kinh tế trong cả nước. Trong đó có hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối vùng Trung du, miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng… Tỉnh Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam, các nước Asean với vùng Tây Nam, Trung Quốc.