Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của các cấp hội khuyến học, phong trào khuyến học khuyến tài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát triển mạnh mẽ. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đã tạo chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào khuyến học khuyến tài.
Qua thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 9 hội khuyến học cấp huyện, 136 hội khuyến học cấp cơ sở, có 1.990 chi hội khuyến học và hơn 1.700 ban khuyến học với tổng số trên 300 nghìn hội viên, chiếm khoảng 26% dân số toàn tỉnh. Cùng với đó, toàn tỉnh có trên 199 nghìn gia đình được công nhận gia đình học tập, 1.660 lượt dòng họ được công nhận dòng họ học tập, hơn 1.000 cộng đồng học tập và hơn 500 đơn vị học tập.
Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân đã đưa phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển sâu rộng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, các cấp hội đã dành nhiều thời gian tâm huyết, kiên trì, nỗ lực và sáng tạo nhiều mô hình, biện pháp hỗ trợ ngành giáo dục và các nhà trường.
Điển hình như tại huyện Vĩnh Tường, điểm sáng trong xây dựng xã hội học tập của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã triển khai rất nhiều giải pháp, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình học tập. Theo đó, thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, huyện Vĩnh Tường đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các ban, ngành, đoàn thể để triển khai, hướng dẫn, tổ chức thực hiện kịp thời; phối hợp với các ban, ngành, cơ sở dạy nghề tổ chức lớp phổ cập giáo dục, lớp tập huấn phục vụ ngành nghề của người dân địa phương.
Cùng với đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng xã hội học tập; vận động người dân hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời”, tích cực tham gia các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, phát huy và nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị…
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã đạt được những kết quả tích cực và được Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao. Công tác phổ cập giáo dục của huyện đạt mức độ 3, phổ cập xóa mù chữ đạt mức độ 2; tỷ lệ người dân từ 15-35 tuổi biết chữ đạt 100%; tỷ lệ người dân từ 15-60 tuổi biết chữ đạt hơn 99%. Phong trào học tập trong Nhân dân phát triển sâu rộng, số lượng các mô hình học tập đều tăng so với năm trước. Toàn huyện có hơn 39 nghìn gia đình học tập, chiếm hơn 64%; hơn 50 dòng họ học tập, chiếm hơn 61%; 165 thôn đạt cộng đồng học tập, chiếm hơn 94%; 100% đơn vị đạt đơn vị học tập…
Hay như tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng là một địa phương điển hình trong xây dựng phong trào xã hội học tập. Theo đó hằng năm, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí xây dựng, tu sửa và mua sắm bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ khuyến học và duy trì công tác tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên, giáo viên có thành tích cao trong dạy và học nhằm tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, tại Vĩnh Phúc cũng có rất nhiều dòng họ luôn giữ gìn và phát huy phong trào xây dựng dòng họ học tập, tạo mọi điều kiện để con cháu vươn lên, gặt hái thành công trên con đường học vấn. Để công tác khuyến học khuyến tài đạt hiệu quả, các dòng họ luôn quan tâm việc phát triển hội viên. Với quan niệm “Cho con một bụng chữ, còn hơn một hũ vàng”, Ban khuyến học các dòng họ tích cực vận động, tuyên truyền về những tấm gương hiếu học của gia đình, dòng họ để mỗi thành viên, mỗi gia đình hiểu được ý nghĩa của công tác khuyến học khuyến tài.
Dòng họ Lê Chí ở thôn Thượng, xã Tuân Chính (huyện Vĩnh Tường) là một trong rất nhiều dòng họ như vậy. Ông Lê Chí Miêng đại diện dòng họ Lê Chí cho biết, Ban khuyến học và quỹ khuyến học của dòng họ Lê Chí được thành lập từ năm 2002 với tôn chỉ mục đích động viên, khuyến khích con em hăng say học tập, rèn luyện, góp phần làm rạng danh cho dòng tộc. Trải qua 20 năm hoạt động, phong trào khuyến học của dòng họ liên tục phát triển, trở thành động lực để con cháu nỗ lực, phấn đấu. Từ việc thực hiện hiệu quả phong trào khuyến học khuyến tài góp phần khích lệ, động viên con em hăng hái học tập, số gia đình trong dòng họ Lê Chí đạt danh hiệu gia đình học tập ngày càng cao. Hiện hơn 90% con em trong dòng họ đạt học lực khá, giỏi; hơn 80 người có trình độ đại học trở lên, 100% số hộ hội viên đạt danh hiệu “Gia đình học tập”.
Có thể thấy rằng, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng thành công môi trường học tập trong toàn xã hội. Phong trào học tập phát triển sôi nổi trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị, góp phần ổn định chính trị, tăng năng suất lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng tình làng nghĩa xóm...
Ðể thực hiện mục tiêu khuyến khích học tập suốt đời trong bối cảnh mới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực tìm kiếm và áp dụng những mô hình có tính đột phá để khuyến khích xã hội học tập trong kỷ nguyên số. Ðồng thời, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội hướng đến mục tiêu nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập.